Bước tiến lớn về dùng chung hạ tầng mạng di động
Nhằm tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, ngày 11/11/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Chỉ thị số 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông.
Triển khai Chỉ thị số 52, từ năm 2020, Cục Viễn thông và các doanh nghiệp (DN) viễn thông đã tích cực trao đổi về các nội dung liên quan để thống nhất các hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động có thể dùng chung giữa các DN.
Nhiều thỏa thuận hợp tác đã đạt được trên cơ sở hợp tác, cùng phát triển vì lợi ích của xã hội nói chung và sự phát triển của thị trường viễn thông nói riêng. Tháng 4/2020 các DN ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung tổng số hơn 1200 vị trí trạm BTS. Tháng 12/2020 việc hợp tác giữa các DN tiếp tục đạt được kết quả tích cực thông qua việc ký kết khung giá cho thuê, sử dụng chung nhà trạm, cột anten, tạo hành lang thuận lợi để triển khai việc dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động
Và ngày 27/5/2021, ba DN gồm Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông Mobifone đã thống nhất và tổ chức buổi ký kết thỏa thuận triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G qua hình thức trực tuyến, nội dung thỏa thuận tập trung vào hai giải pháp quan trọng là thử nghiệm chuyển vùng di động roaming và thử nghiệm chia sẻ mạng truy nhập vô tuyến đa mạng (MORAN).
Việc thử nghiệm chuyển vùng di động (roaming) là giải pháp một nhà mạng xây dựng triển khai hạ tầng và cho phép các nhà mạng khác chuyển vùng cùng cung cấp dịch vụ 5G (tương tự việc các nhà mạng mở dịch vụ chuyển vùng dịch vụ viễn thông di động tại 3 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định để khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 9 từ ngày 30/10 đến ngày 30/11/2020) sẽ không chỉ giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được dịch vụ 5G với nhiều lựa chọn khác nhau mà sẽ giúp chính các DN tiết kiệm chi phí xây dựng ban đầu, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư đặc biệt là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa (là những khu vực thường có nhu cầu sử dụng thấp).
Với thử nghiệm chia sẻ mạng truy nhập vô tuyến đa mạng MORAN thì 2 nhà mạng sẽ có thể dùng chung thiết bị RAN nên tiết kiệm được chi phí đầu tư, mua thiết bị ban đầu; nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị (01 thiết bị dùng cho 2 mạng), giảm lượng trạm BTS, cột, nhà trạm cần xây dựng, đồng thời giúp đảm bảo cảnh quan môi trường.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết: Nếu như các thỏa thuận chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông từ trước đến nay giữa các DN tập trung vào hạ tầng thụ động (nhà trạm, cột anten, truyền dẫn…) thì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai tiến hành thử nghiệm việc chia sẻ hạ tầng viễn thông ở lớp cao hơn như hạ tầng tích cực, thiết bị mạng truy nhập vô tuyến 5G.
Chính vì vậy, đại diện Cục Viễn thông khẳng định: Thỏa thuận này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai mạng 5G trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời xét trên bình diện khu vực và quốc tế, đây là một trong các thỏa thuận đầu tiên về thử nghiệm dùng chung hạ tầng mạng 5G, từ đó khẳng định quyết tâm của ngành TT&TT trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để triển khai thương mại 5G và chuyển đổi số
Để thúc đẩy tiến tới các thỏa hợp tác dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong thời gian qua như sử dụng chung hạ tầng BTS và nay là thử nghiệm dùng chung mạng 5G, Cục Viễn thông và các nhà mạng đã có những bước chuẩn bị tích cực.
Cũng theo lãnh đạo Cục Viễn thông, việc sử dụng hạ tầng viễn thông đã có hành lang pháp lý, các quy định, chỉ đạo điều hành được Chính phủ, Bộ TT&TT ban hành như Nghị định 72/2012/NĐ-CP về quản lý và sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật, Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC-BXD-BTTTT của liên Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung,… Cùng với sự điều phối của Cục Viễn thông, cùng với tinh thần hợp tác, vì sự phát triển chung của xã hội, của ngành TT&TT và của chính các DN viễn thông đã mang lại kết quả, các thỏa thuận hợp tác trong thời gian qua về dùng chung hạ tầng viễn thông bao gồm cả hạ tầng thụ động và hạ tầng 5G.
Cụ thể, nhiều thỏa thuận hợp tác đã đạt được trên cơ sở hợp tác, cùng phát triển vì lợi ích của xã hội nói chung và sự phát triển của thị trường viễn thông nói riêng. Tháng 4/2020, các DN ký kết thỏa thuận chia sẻ sử dụng chung tổng số hơn 1200 vị trí trạm BTS. Tháng 12/2020 việc hợp tác giữa các DN tiếp tục đạt được kết quả tích cực thông qua việc ký kết khung giá cho thuê, sử dụng chung nhà trạm, cột anten, tạo hành lang thuận lợi để triển khai việc dùng chung hạ tầng viễn thông thụ động.
Các kết quả nêu trên khẳng định sự quyết tâm của Bộ TT&TT, Cục Viễn thông và các DN viễn thông trong việc triển khai các chính sách, biện pháp dùng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động nói chung và cột anten, nhà trạm BTS nói riêng, góp phần tiết kiệm ngân sách cho nhà nước và cho chính các DN viễn thông đặc biệt là sự sẵn sàng về nguồn lực, điều kiện để triển khai thương mại 5G và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ.
Chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông giúp tiết kiệm chi phí 20 - 40%
Các nước trên thế giới đã nhận định chia sẻ hạ tầng mạng viễn thông trong đó có trạm BTS giúp tiết kiệm chi phí cho nhà mạng từ 20% - 40%, sự sẵn sàng về nguồn lực, điều kiện để triển khai thương mại 5G và chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, theo Competition and Infrastructure Sharing, ITU, 2016. Việc chia sẻ này bao gồm cả chia sẻ hạ tầng thụ động (cột anten, nhà trạm) và hạ tầng tích cực (RAN, mạng lõi,…).
5G là công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo cung cấp tốc độ cực cao và độ trễ cực thấp cho nhiều người dùng đồng thời và kỳ vọng rất cao về 5G như một công nghệ thiết yếu cho khái niệm thành phố thông minh với việc sử dụng rộng rãi IoT, lái xe tự động và y học từ xa.
Mặt khác, phạm vi phủ sóng của một trạm gốc 5G (gNB) hẹp hơn so với trạm 4G (eNodeB), đòi hỏi số lượng lớn các trạm gốc và yêu cầu đầu tư vốn tăng lên của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động và sự thiếu hụt địa điểm phù hợp ở các khu vực nội thành là những vấn đề. Do đó, ngày càng có nhiều nhu cầu về chia sẻ trạm gốc, trong đó các nhà mạng sử dụng chung các trạm gốc thay vì mỗi người thiết lập riêng.
Chia sẻ trạm gốc đã đạt được sức hút đáng kể ở các nước phương Tây và nhu cầu chia sẻ trạm gốc cao hơn cho phép mở rộng hiệu quả và nhanh chóng các khu vực 5G trên khắp Nhật Bản cũng được dự báo. Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản thậm chí đã tuyên bố thúc đẩy chia sẻ trạm gốc như một mục tiêu của "Kế hoạch Tổng thể 3.0 về Phát triển Cơ sở hạ tầng CNTT-TT trong khu vực".
Vào tháng 4/2020, công ty viễn thông số 2 và 3 của nhà mạng KDDI và Softbank đã ra mắt 5G JAPAN để giảm thời gian và chi phí trong việc thiết lập các trạm gốc 5G ở các vùng nông thôn.
Để thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng 5G nhanh chóng, hai công ty Nhật Bản Sumitomo và Tokyu đã thành lập Sharing Design để cung cấp dịch vụ chia sẻ trạm gốc lấy 5G làm trung tâm cho các nhà mạng.
Sharing Design sẽ tiến hành thử nghiệm trình diễn chia sẻ tại một cơ sở trong thành phố Shibuya Mark vào tháng 6/2021 và sau đó sẽ bắt đầu cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ di động dịch vụ chia sẻ trạm gốc vào khoảng tháng 7. Mục đích là thiết lập các trạm gốc tại khoảng 100 địa điểm, đặc biệt là ở các ga Tokyu Railways và các cơ sở thương mại của Tokyu Corporation, trong năm tài chính 2021.
Các nỗ lực hợp tác cũng đang được xem xét. Các nhà khai thác đường sắt và các nhà khai thác các cơ thương mại - bao gồm Đại học Hiroshima và thành phố Higashihiroshima mà Tập đoàn Sumitomo đã ký kết thỏa thuận thiết lập các thành phố thông minh. Thành phố Shibuya mà Tập đoàn Tokyu đã ký kết thỏa thuận đối tác toàn diện về việc hình thành một thành phố trung tâm toàn cầu và thành phố Minato, đang có kế hoạch xây dựng các cơ sở thuộc sở hữu của thành phố có sẵn để sử dụng - và các bên liên quan sẽ thúc đẩy để mở rộng những nỗ lực này.
Tại Hàn Quốc, ba nhà mạng lớn của nước này vào năm 2020 đã cùng thống nhất chia sẻ các trạm gốc 5G ở các quận nhỏ trên toàn quốc để tiết kiệm chi phí và nâng cấp chất lượng vùng phủ sóng. Theo đó, ba nhà mạng SK Telecom, KT và LG Plus thành lập một cơ quan tư vấn cho sự hợp tác này trong việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G cho một số đơn vị hành chính nhỏ hơn và các làng ở khu vực nông thôn.
Thông tin của Bộ Khoa học và ICT nước này cho biết các thị trấn và huyện nhỏ có dân số dưới 5.000 người chiếm 47% Hàn Quốc, vì vậy quyết định chia sẻ sử dụng chung hạ tầng đã được đưa ra để phục vụ tốt hơn người dùng 5G ở những khu vực này.
Trước đó, ba nhà mạng Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 25.000 tỷ won (20,9 tỷ USD) để hoàn thành vùng phủ sóng 5G trên toàn quốc vào nửa đầu năm 2022 như một phần của Chiến lược kinh tế số mới (Digital New Deal) của nước này.
Sự hợp tác được xem là một thỏa thuận đặc biệt giữa các nhà mạng đang cạnh tranh gay gắt nhằm mục đích tiết kiệm chi phí do tần số 5G có phạm vi phủ sóng hẹp hơn LTE (4G), đồng nghĩa với việc các trạm gốc phải được xây dựng theo quy định chặt chẽ hơn.
Số lượng trạm cơ sở 5G yêu cầu trong băng tần 3,5 GHz ít nhất gấp đôi so với các trạm LTE. Vào thời điểm năm 2020, số lượng trạm phát 5G (gNB) được lắp đặt tại Hàn Quốc là 121.000 trạm. Theo đó, ba nhà mạng sẽ cùng lắp đặt các trạm gốc 5G ở ngoại ô các khu đô thị và dành số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào Seoul và 6 khu vực đô thị khác, nơi có mức tiêu thụ dữ liệu cao./.
Theo: ictvietnam.vn