Thực hiện nội dung này, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn chủ động lựa chọn, xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất gắn với chuyển đổi số. Các dự án, mô hình được triển khai dựa trên kết quả nghiên cứu kỹ điều kiện của mỗi địa phương, đánh giá tính khả thi, lựa chọn mô hình, dự án phù hợp để thực hiện nhằm đảm bảo sự thành công của mô hình, dự án.
Xác định sự thành công của mô hình, dự án có vai trò quan trọng của hợp tác xã, tổ hợp tác và các thành viên trong ban quản lý, vì thế, TP. Phổ Yên đã đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo cho các đối tượng này. Theo đó, thành phố đã tổ chức 3 lớp tập huấn, hội thảo về gắn mã số vùng trồng cho vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, vùng sản xuất chè và ứng dụng công nghệ quan trắc thời tiết hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, với gần 200 học viên tham gia. Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực tuyên truyền, tập huấn, nâng cao kiến thức cho người dân để nâng cao trình độ canh tác, sản xuất sản phẩm…
Đơn cử như Dự án “Liên kết trồng, chế biến các sản phẩm từ cây đinh lăng theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn” do Hợp tác xã dịch vụ Hoa Trung triển khai từ năm 2020. Hiện, mô hình có 15ha đinh lăng, với sự tham gia của 35 hộ ở các địa phương: Minh Đức, Phúc Thuận, Thành Công. Tham gia Dự án, các hộ trồng đinh lăng không những được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, mà còn được hướng dẫn sản xuất các sản phẩm từ loại cây này. Hiện, Hợp tác xã dịch vụ Hoa Trung đang sản xuất 2 sản phẩm chính là trà đinh lăng và cao đinh lăng. Sản phẩm của Hợp tác xã đang được xuất bán ở thị trường các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng đang vận hành ứng dụng công nghệ số vào một số khâu sản xuất, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả của Dự án, giảm nhân công lao động và tăng giá trị sản phẩm.
Cũng trong năm 2020, TP. Phổ Yên đã triển khai 4 dự án ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, gồm: “Hỗ trợ phát triển, mở rộng vùng sản xuất rau an toàn của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Cao”; “Liên kết sản xuất hoa”; “Liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm cho vùng cây ăn quả tập trung tại xã Phúc Thuận”’ “Sản xuất lúa thuần chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Dương, xã Đắc Sơn”. Các dự án này đã và đang phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, hưởng ứng chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên đã phối hợp với VNPT Thái Nguyên cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý cây xanh Thái Nguyên SmartTrees. Đến nay, ứng dụng này đã hoàn thiện chức năng và đang vận hành tốt. Ứng dụng có nhiều tính năng như: Cập nhật, chỉnh sửa thông tin cây xanh, lấy tọa độ và hình ảnh cây ngay tại hiện trường, hỗ trợ nhập nhanh số lượng lớn cây phân tán chỉ bằng một lần thao tác; tra cứu, tìm kiếm nhanh, tìm kiếm nâng cao; quét mã QR để truy xuất thông tin cây xanh…
Đối với mỗi cây xanh trồng mới đều được cập nhật và có một mã QR riêng để giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển, di dời. Đặc biệt, thông qua ứng dụng SmartTrees, người dân khi phát hiện các vấn đề liên quan tới cây xanh có thể gửi thông tin và hình ảnh phản ánh để cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Tính đến tháng 6-2022, thành phố đã cập nhật dữ liệu quản lý cây xanh trên phần mềm Thái Nguyên SmartTrees được 52.300 cây.
Tính đến nay, trên địa bàn TP. Phổ Yên đã xây dựng được 10 mô hình, dự án sản xuất gắn với chuyển đổi số, trong đó có 7 mô hình, dự án trong lĩnh vực trồng trọt, 1 mô hình chăn nuôi, 1 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, 1 mô hình trong lĩnh vực lâm nghiệp. Các mô hình, dự án đều khẳng định được tính hiệu quả trong việc tăng quy mô sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, gắn mã số vùng trồng… Ngoài ra, hoạt động của các mô hình, dự án cũng đã nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, gắn với tiêu thụ sản phẩm đầu ra giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ý kiến bạn đọc