Phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp bưu chính năm 2023 với chủ đề “cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính”, được Bộ TT&TT tổ chức ngày 27/11 vừa qua, bà Hà Thị Hoà, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính của Tổng công ty Bưu Điện Việt Nam (Vietnam Post) cho biết, một trong những khó khăn của doanh nghiệp bưu chính hiện nay là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh ở mặt hàng và thẩm lậu.
Cụ thể, trong thời gian qua xuất hiện các cá nhân, tổ chức tiến hành quảng cáo truyền thông việc chấp nhận vận chuyển các mặt hàng cấm gửi, ngang nhiên vi phạm pháp luật, đặc biệt là tập trung vào các hình thức truyền thông và quảng cáo trên các nền tảng số như mạng xã hội.
Chính vì thế, theo đại diện Vietnam Post, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý các tình trạng này để tránh gây hiểu nhầm cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc.
Ngoài ra, một hình thức cạnh tranh không lành mạnh nữa cũng được bà Hà Thị Hoà đề cập chính là hiện nay các mô hình vận chuyển, hoạt động vận tải hàng hoá qua các nhà xe; hoặc gửi hàng hoá xách tay theo hình thức qua các cửa khẩu nhằm miễn thuế, nhận gửi hàng hoá xách tay trên các chuyến bay thương mại gây thất thoát thuế.
Chẳng hạn, như trường hợp để gửi những hộp Yến qua Mỹ, các công ty vận chuyển chính thống khi tiến hành lập đơn hàng sẽ phải chấp nhận rủi ro 50 – 50 về khả năng bị huỷ, trong khi đó gửi theo đường xách tay lại được.
Ông Nguyễn Đắc Luân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính cũng cho rằng, chính tình trạng đang diễn ra hiện nay đã làm cho môi trường cạnh tranh trong thị trường bưu chính phải chịu áp lực từ hai phía, đó là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp bưu chính với nhau và cạnh tranh giữa doanh nghiệp bưu chính với các chủ thể khác, trong đó đơn cử như việc các nhà xe nhận vận chuyển hàng hoá.
Vì thế, để xử lý vấn đề này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra lại giấy phép bưu chính của các đơn vị chuyển phát nhanh, kiên quyết xử lý nghiêm, không có vùng cấm đối với đơn vị vận tải không có giấy phép bưu chính nhưng lại cung cấp dịch vụ chuyển phát.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hiện nay hầu hết các xe khách đường dài đều nhận vận chuyển hàng hoá cho khách hàng. Rất nhiều người chọn gửi hàng qua các nhà xe vì cảm thấy thuận lợi hơn rất nhiều so với việc gửi qua các đơn vị chuyển phát nhanh.
Cụ thể, họ gửi gì các nhà xe cũng nhận, từ tập tài liệu, đến các thùng hải sản, trái cây, hàng tiêu dùng hay thậm chí cả xe máy… giá cước cũng chỉ rơi vào khoảng vài chục đến vài trăm nghìn đồng.
Chị Nguyễn Thị Phương, đang sống tại TP.HCM cho biết, đã từ lâu khi muốn gửi một món đồ gì về quê ở Đăk Lăk, chị cũng tiến hành gửi qua nhà xe là chính, bởi nếu qua các công ty dịch vụ chuyển phát thấy thủ tục quá rườm rà, lại còn chậm và giá cước cũng không chênh lệch bao nhiêu.
“Chẳng hạn như tôi muốn gửi một chiếc xe máy hay một thùng đồ ăn về nhà, nếu qua các dịch vụ chuyển phát sẽ phải khai báo rất nhiều thứ, trong khi đó, xe máy chỉ cần dắt ra nhà xe cho họ là được, đồ ăn thì đóng vào hộp xốp ghi tên và số điện thoại người nhận là xong. Tối nay gửi sáng mai người nhà đã nhận được, giá cước cũng không đáng kể”, chị Phương chia sẻ.
Một điều đáng chú ý là hiện nay rất ít các lực lượng chức năng kiểm tra việc vận chuyển hàng hoá của các nhà xe liên tỉnh khi đang lưu thông trên đường.
Đa phần các đơn vị kiểm tra các xe khi di chuyển là lực lượng cảnh sát giao thông trên đường và xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông là chính.
Chính vì thế, nhiều nhà xe vẫn ngang nhiên nhận vận chuyển hàng hoá cho khách hàng khi họ có nhu cầu.
Theo VietNamNet Doanh nghiệp bưu chính chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà xe (vietnamnet.vn)
Lê Mỹ
Ý kiến bạn đọc