Dự buổi lễ có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Phạm Đức Long; Các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Tổng Cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông qua các thời kỳ; đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các đơn vị liên quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện Việt Nam.
Ngày 8/6/1993, Tổng cục Bưu điện đã ban hành quyết định thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện với chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh trên phạm vi cả nước.
Trong hành trình 30 năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các thế hệ lãnh đạo qua các thời kỳ, từ Tổng cục Bưu điện đến Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Tần số vô tuyến điện đã vượt qua nhiều khó khăn, liên tục phát triển và ngày càng vững mạnh.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chúc mừng những kết quả đã đạt được của Cục Tần số Vô tuyến điện
Cục Tần số Vô tuyến điện đã góp phần hiện thực hóa Việt Nam hùng cường và thịnh vượng
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trân trọng gửi lời chúc mừng đến các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Tần số Vô tuyến điện. Bộ trưởng khẳng định, tập thể Cục Tần số Vô tuyến điện đã có nhiều đóng góp cho ngành TT&TT, góp phần hiện thực hoá khát vọng về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Theo Bộ trưởng, tần số vô tuyến điện là một lĩnh vực đặc biệt và đang có những thay đổi quan trọng. Đa số các tài nguyên càng dùng, càng khai thác thì càng cạn kiệt. Nhưng Tần số là tài nguyên càng dùng thì càng không cạn kiệt, còn sinh ra tiền, còn làm cho đất nước phát triển. Nếu công nghệ 2G thì 1 Hz sinh ra chưa được 1 bit/s, thì công nghệ 4G vẫn 1 Hz đó sinh ra hàng chục bit/s. Như vậy, hiệu quả tài nguyên tăng lên hàng chục lần.
Cục Tần số Vô tuyến điện đã 30 năm, 10 năm đầu của Cục gắn với sự xuất hiện rất sớm của điện thoại di động tại Việt Nam. 10 năm tiếp theo gắn với phân bổ tần số để tạo ra cạnh tranh, phổ cập điện thoại cho toàn dân và 10 năm gần đây là gắn với băng rộng di động. Chiếc điện thoại di động thông minh đã trở thành công cụ vạn năng đối với mọi người dân. Trong 30 năm đó Cục cũng đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, quản lý tần số vô tuyến điện, số hoá truyền hình, giải phóng tần số cho phát triển di động, đảm bảo tần số cho quốc phòng, an ninh, đảm bảo tần số và quỹ đạo cho các vệ tinh Việt Nam, là xây dựng tổ chức hợp tác quốc tế…
Bộ trưởng cho rằng, trước đây tần số chỉ đơn thuần là kỹ thuật, nhưng giờ nó còn là vấn đề kinh tế kỹ thuật khi việc đấu giá băng tần mang lại nhiều giá trị tổng thể, vừa nộp ngân sách nhà nước, vừa phủ sóng đến tận thôn, bản với tốc độ cao. Hay như trước đây, tần số là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu của một số chuyên gia. Nhưng nay tần số đã ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Vì vậy, Cục Tần số Vô tuyến điện cần phải thay đổi cách nhìn nhận bằng cách phổ cập hóa kiến thức về tần số để tạo ra sự phát triển mới.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Việc đổi mới viễn thông lần thứ 2 là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Theo đó, ngành Viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới là xây dựng hạ tầng số, hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Việc đảm bảo tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập tần số với tiêu chí “ xanh, mở, thông minh và an toàn” là nhiệm vụ cấp bách của Cục Tần số Vô tuyến điện.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số Cục Tần số Vô tuyến điện là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong thời gian tới. Chuyển đổi số trong nội bộ Cục, đưa mọi hoạt động của Cục lên môi trường số và sau đó là đổi mới các quy trình vận hành. Dùng công nghệ số để tạo ra các nền tảng và công cụ làm việc, trợ giúp cho nhân viên để kết nối online tới các đối tượng quản lý. Đồng thời, cần chuyển đổi số trong việc giá trị hoá dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tần số, dữ liệu về việc sử dụng tần số, về chất lượng dịch vụ di động, về lưu lượng phát sinh, sau đó là phân tích dữ liệu để tối ưu hoá cấp phát tần số...
Bộ trưởng cho biết, một nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 là đấu giá tần số 4G, 5G. Tần số mà chúng ta cấp ra cho các nhà mạng Việt Nam đang ít hơn khá nhiều so với các nước khác. Điều này dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp, chi phí đầu tư hạ tầng tăng. Do vậy, việc đấu giá tần số 4G, 5G thành công trong năm nay đã trở thành một nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Cục Tần số Vô tuyến điện.
Bọ trưởng chỉ rõ, là cơ quan dẫn dắt quốc gia về tần số thì tri thức về tần số phải là xuất sắc. Không xuất sắc thì không nên dẫn dắt. Đã dẫn dắt thì phải xuất sắc. Đây là nhiệm vụ, thách thức đối với Cục Tần số Vô tuyến điện. Nếu làm tốt thì đóng góp của Cục Tần số Vô tuyến điện cho đất nước sẽ rất to lớn.
Đảm bảo hài hoà giữa việc sử dụng tần số cho phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Cục Tần số Vô tuyến điện. Phân chia thế nào để tối ưu hoá lợi ích cho quốc gia, đáp ứng tần số để phát triển KT-XH, lẫn quốc phòng, an ninh. Quốc hội mới thông qua quy định về sử dụng tần số lưỡng dụng, Cục Tần số Vô tuyến điện phải lưu ý phát triển KT-XH cũng là tiền đề rất quan trọng để xây dựng đất nước giàu mạnh và tạo điều kiện cho củng cố sự nghiệp quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm chụp ảnh lưu niệm
Phát huy vai trò người đứng đầu
Nhấn mạnh về vai trò người đứng đầu đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, anh Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ là người có năng lực, được quy hoạch, có tín nhiệm nhưng cũng phải ngồi vào vị trí Cục trưởng thì mới biết một người cấp phó có thể thành cấp trưởng hay không? Cấp phó thì tuân thủ, cấp trưởng lại là người đổi mới, tạo ra thay đổi, mở rộng không gian phát triển và hai tố chất này là rất khác nhau. Làm trưởng thì phải làm gương. Đó là văn hoá châu Á. Lãnh đạo thông qua làm gương. Tin anh em, khi mình tin anh em thì anh em sẽ làm hết mình. Đoàn kết trong Đảng uỷ, trong Ban lãnh đạo Cục Tần số Vô tuyến điện luôn là yếu tố đầu tiên quyết định thành công. Hạt nhân lãnh đạo phải là hạt nhân đoàn kết.
Bộ trưởng cho rằng, để tạo ra đoàn kết thì có 2 việc. Thứ nhất là phải có việc khó, phải có thách thức mới đủ lớn để đoàn kết mọi người; thứ hai, bàn bạc tập thể, công khai minh bạch, tham vấn rộng rãi, cùng làm cùng hưởng.
Người đứng đầu Cục Tần số Vô tuyến điện phải phát huy truyền thống, giữ gìn văn hoá, tinh thần của Cục Tần số Vô tuyến điện, kế thừa quá khứ, mở ra tương lai để Cục Tần số Vô tuyến điện là một dòng chảy liên tục từ người Cục trưởng đầu tiên là anh Lưu Văn Lượng, tới chị Vũ Thị Bích, tới anh Đoàn Quang Hoan, tới anh Nguyễn Đức Trung và bây giờ là anh Lê Văn Tuấn, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục, Bộ trưởng chia sẻ, cần đoàn kết và coi người đứng đầu, Cục trưởng là hạt nhân của Cục. Một tổ chức phải có hạt nhân, có điểm tụ. Nếu không có hạt nhân thì các lực sẽ phân tán. Bảo vệ Cục trưởng là bảo vệ tổ chức của mình, thực hiện các quyết định của Cục trưởng là xây dựng tổ chức của mình. Thấu hiểu rằng người làm trưởng là rất nhiều áp lực, nhiều việc vất vả, nên chia sẻ, không chỉ đòi hỏi. Cùng nhau tạo ra một giai đoạn phát triển mới của Cục Tần số Vô tuyến điện.
Chỉ có chính mình, những nhân viên của Cục mới làm thay đổi được Cục Tần số Vô tuyến điện. Làm gì cũng phải lấy phụng sự Tổ quốc làm đầu. Làm gì thì cũng phải vì cái chung, vì Ngành, vì đất nước. Trong khó khăn luôn có cơ hội. Khó khăn cũng là động lực để vươn lên. Cục Tần số Vô tuyến điện trong 10 năm tới sẽ viết một trang sử mới huy hoàng trong lịch sử phát triển của mình. Đó là đảm bảo tần số cho hạ tầng số. Đây sẽ vừa là đóng góp cho phát triển của đất nước, vừa là lời cảm ơn tới các thế hệ đi trước, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.
Trong chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, Cục Tần số vô tuyến điện và nhiều tập thể, cá nhân thuộc Cục đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Cũng vào vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày thành lập, Cục Tần số vô tuyến điện tiếp tục được vinh dự tặng Cờ thi đua của Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022.
Theo trang tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông
Ý kiến bạn đọc