Chữ ký số: Bước khởi đầu cần thiết cho các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi số

Thứ ba - 27/10/2020 23:40 0
Trên cơ sở phân tích những lợi ích của chữ ký số, đại diện NEAC kiến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bước đầu chuyển đổi số bằng cách áp dụng chữ ký số trong quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng.
Công cụ thiết yếu cho chuyển đổi số

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền chữ ký tại thành phố Ninh Bình, với sự tham dự của đại diện các cơ quan nhà nước, Trung tâm CNTT từ các bộ, ngành, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố phía Bắc cùng các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, ngân hàng thương mại khu vực phía Bắc.

 
7
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia khai mạc hội nghị.

Theo đại diện NEAC, mục đích của hội nghị này là tuyên truyền hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số mới ban hành, cụ thể như: Nghị định 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư điện tử, Nghị định 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Thông tư 16/2019 của Bộ TT&TT về danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng cho việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số di động và ký số từ xa; Thông tư 22/2020 của Bộ TT&TT quy định về yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu chức năng đối với phần mềm ký số và phần mềm kiểm tra chữ ký số.

Các đại biểu tham dự hội nghị tập trung thảo luận về các nội dung để triển khai xây dựng, thiết lập hệ thống thông tin phục vụ cho nội bộ hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp và giao dịch với những cơ quan, tổ chức khác trên môi trường điện tử.

 
8
Ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia tham luận về chủ đề "Chữ ký số - Công cụ thiết yếu cho chuyển đổi số".

Trong tham luận chủ đề “Chữ ký số - Công cụ thiết yếu cho chuyển đổi số", ông Phạm Quốc Hoàn, Phó Giám đốc NEAC đã nêu ra những lợi ích của chữ ký số cho chuyển đổi số, đồng thời kiến nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy khởi đầu thực hiện chuyển đổi số bằng việc cách áp dụng chữ ký số trong quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng.

Lý giải rõ hơn về kiến nghị trên, ông Hoàn đưa ra 3 lý do các cơ quan, doanh nghiệp cần thiết áp dụng chữ ký số để bước đầu chuyển đổi số, đó là: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho việc cung cấp dịch vụ chữ ký số và áp dụng chữ ký số trong hoạt động, dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp đã đầy đủ; đã có thị trường cung cấp dịch vụ chữ ký số cạnh tranh; công nghệ, giải pháp ứng dụng chữ ký số đa dạng; các nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp có kinh nghiệm triển khai chữ ký số trong các ngành có ảnh hưởng lớn trong xã hội như thuế điện tử, bảo hiểm xã hội, hải quan điện tử...

Văn bản điện tử được ký số có giá trị như bản gốc văn bản giấy

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Chinh đại diện Cục Văn thư lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ đã thông tin một số nét chính của Nghị định 30/2020/NĐ-CP về công tác quản lý văn thư, trong đó các khái niệm bản gốc văn bản điện tử, bản sao, bản chính văn bản điện tử được áp dụng trong thời kỳ, giai đoạn chuyển đổi từ bản giấy sang văn bản điện tử.

Cụ thể, theo bà Chinh, Nghị định 30/2020/NĐ-CP khẳng định giá trị pháp lý của văn bản điện tử được ký số bởi người có thẩm quyền và ký số của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật có giá trị pháp lý như bản gốc văn bản giấy. Nghị định cũng quy định văn bản chuyển đổi từ định dạng giấy sang điện tử (văn bản số hóa và ký số của cơ quan, tổ chức) là bản sao từ văn bản giấy sang văn bản điện tử và có giá trị pháp lý như bản chính.

“Quy định trên góp phần đẩy mạnh, tăng cường sử dụng chữ ký điện tử chuyên dùng, hạn chế việc phát hành văn bản giấy rồi chuyển định dạng điện tử”, đại diện Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ nhận định.

 
9
Bà Nguyễn Tuyết Minh, đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thông tin về những nội dung chính trong Nghị định 45/2020 của Chính phủ.

Nêu ra những điểm chính cần lưu ý của Nghị định 45/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bà Nguyễn Tuyết Minh, đại diện Cục Kiểm soát Thủ tục Hành chính, Văn phòng Chính phủ tập trung trao đổi về: quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; quy trình chứng thực bản sao từ bản chính; cách thức thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính; kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đặc biệt là kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân cùng việc chuyển đổi hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử ra văn bản giấy.

Nghiên cứu đẩy mạnh cung cấp chứng thư số cá nhân

Ở góc độ của cơ quan triển khai ứng dụng, ông Đinh Đức Vĩnh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam kiến nghị Bộ TT&TT truyền thông mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa về chữ ký số cho người dân để thực hiện giao dịch trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam cũng đề xuất Bộ TT&TT xem xét xây dựng, cung cấp công cụ, hệ thống ký số và xác thực chữ ký số cho người dân để đảm bảo sự tin cậy cho xã hội trong giai đoạn phát triển ban đầu này.

Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên, Giám đốc NEAC Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết, NEAC đang nghiên cứu đẩy mạnh cung cấp chứng thư số cá nhân một cách thuận tiện, chi phí hợp lý. “Việc này sẽ giúp người dân thực hiện các giao dịch điện tử nói chung và thực hiện thủ tục hành chính công qua mạng nói riêng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số”, ông Nghĩa chia sẻ.
Theo: "Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông" 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây