Năm 2016, Columbus, một thành phố đông dân của bang Ohio (Mỹ), đã đánh bại 77 thành phố vừa và nhỏ khác, giành được dự án trị giá 50 triệu USD để tái thiết tương lai. Đề án xây dựng TPTM (Smart City Challenge) của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ra đời như một bước nhảy vọt để thách thức thành phố áp dụng các công nghệ mới và Columbus là thành phố được lựa chọn để tham gia thử thách này trong gói dự án 50 triệu USD ở trên.
“Chúng tôi có cách tiếp cận mang tính cách mạng”, chính quyền thành phố Columbus viết trong đề xuất tài trợ dự án. Thành phố đặt ra kế hoạch thử nghiệm các ki-ốt hỗ trợ Wi-Fi giúp người dân lập kế hoạch cho các chuyến đi, ứng dụng thanh toán tiền xe buýt và vé đi xe buýt cũng như tìm điểm đỗ xe, xe đưa đón tự lái và xe tải kết nối cảm biến.
5 năm sau, vào năm 2021, Thử thách TPTM kết thúc, nhưng cuộc cách mạng chưa bao giờ đến. Theo báo cáo cuối cùng của dự án, Chương trình TPTM Columbus vừa phát hành vào tháng này cho biết, đại dịch xảy ra ngay khi một số dự án đang khởi động. Có 6 ki-ốt Wi-Fi được lắp đặt quanh thành phố và chỉ có 8 chuyến đi được lập kế hoạch từ việc ứng dụng các ki-ốt từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021. Công ty EasyMile ra mắt xe ô tô tự hành vào tháng 2/2020, chở hành khách với tốc độ trung bình 6,5 km/giờ. Chỉ 15 ngày sau, một cú phanh đột ngột đã khiến tai nạn xảy ra, và dịch vụ phải tạm dừng. Các kế hoạch "TPTM" của Columbus bao gồm xe đưa đón tự hành để đưa đón mọi người xung quanh thị trấn. (Ảnh: Wired)
Thực tế, “TPTM” ngày càng trở thành một thuật ngữ mang tính tiếp thị nhiều hơn. Jordan Davis, Giám đốc của Smart Columbus, tổ chức chịu trách nhiệm tiếp tục công việc thử thách, cho biết một số dự án của thử thách sẽ tiếp tục. Davis cho biết trọng tâm sẽ là sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề cộng đồng như công bằng, giảm thiểu biến đổi khí hậu, đạt tới sự thịnh vượng trong khu vực. Tuy vậy, những kết quả đạt được trong 5 năm qua không mấy khả quan.
Trở lại năm 2015 và các mục tiêu về giải pháp công nghệ của Đề án xây dựng TPTM. Lúc đó, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ hy vọng số tiền hạt giống của mình sẽ giúp một thành phố hạng trung như Columbus hợp tác với các công ty để lập kế hoạch. Khi lựa chọn Columbus, Bộ cho biết họ rất ấn tượng trước số lượng các công ty địa phương cam kết hỗ trợ thêm cho dự án. Thách thức cụ thể là “sử dụng các công cụ tiên tiến để làm cho cuộc sống tất cả mọi người tốt hơn, đặc biệt là những người sống trong các cộng đồng thiệt thòi, chưa tiếp cận được các chính sách".
Giờ đây, rõ ràng là các công ty tư nhân không thể dự đoán tương lai của các thành phố và có thể không quan tâm đến lợi ích tốt nhất của công dân. Uber và Lyft đã rút khỏi dự án xe tự hành, đáng buồn hơn là sau khi một chiếc xe thử nghiệm của Uber đâm và làm tử vong một người đi bộ ở Arizona. Sidewalk Labs hứa hẹn vào năm 2017 sẽ xây dựng một khu vực nhộn nhịp như Toronto. Nhưng dự án đã chết yểu vào năm ngoái trong bối cảnh đại dịch và một trận chiến chính trị gay gắt giữa những người ủng hộ quyền riêng tư và các nhóm nhà phát triển địa phương.
Tuy nhiên, các dự án TPTM vẫn tiếp tục trên khắp thế giới. Toyota đang xây dựng một cộng đồng thân thiện với xe tự lái ở ngoại ô Tokyo. Sidewalk Labs thông báo họ đang tư vấn cho các nhà phát triển bất động sản ở một số thành phố của Mỹ về “kế hoạch đổi mới”. Và các dự án “giao thông thông minh” do Alibaba lãnh đạo vẫn tiếp tục ở Trung Quốc, Malaysia và Ma Cao.
Cuối cùng, nói về sự thất vọng Columbus, nguyên nhân được cho là kỳ vọng quá cao. Harvey Miller, giáo sư địa lý và giám đốc Trung tâm Phân tích Khu vực và Đô thị tại Đại học Bang Ohio, người đã giúp lập kế hoạch và đánh giá thách thức, cho biết: “Rất nhiều người đã mong đợi nhiều từ dự án này, và có lẽ là quá nhiều”.
Ông chỉ ra rằng 50 triệu USD không phải là số tiền quá nhiều, đặc biệt giải ngân trong 5 năm. Không phải lỗi của Columbus mà chính là những lời hứa của ngành giao thông vận tải, về ô tô tự lái đã bị thổi phồng quá mức.
Miller nói: “Tôi nghĩ những gì Columbus làm là thử nghiệm những ý tưởng mang tính cách mạng. Và tôi nghĩ họ đã học được rất nhiều điều, điều gì hiệu quả và điều gì không hiệu quả”.
Columbus sẽ tiếp tục thử thách, lần này là xây dựng một “hệ điều hành” trên toàn thành phố để chia sẻ dữ liệu giữa các tổ chức tư nhân và chính phủ, các ki-ốt thông minh cũng như các ứng dụng lập kế hoạch chuyến đi và bãi đậu xe. Columbus thông minh cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp quyền truy cập băng thông rộng cho tất cả cư dân.
Davis, Giám đốc Smart Columbus, thừa nhận rằng các quy tắc của chương trình đôi khi gây khó khăn cho việc định hình các dự án xung quanh nhu cầu thực sự của cộng đồng. Davis nói trong tương lai, thành phố sẽ căn cứ nhiều hơn vào “sự đồng cảm và gắn bó” với các công dân, chứ không phải là “một công nghệ tuyệt vời của các công ty tư nhân”./.Theo ictvietnam.vn