Theo Anh Nguyễn Văn Ngọc, trú tại tổ 17, Túc Duyên, TP.Thái Nguyên cho biết, cách đây ít lâu anh Ngọc thực hiện đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất qua Cổng dịch vụ công trực tuyến. Nhận giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất được giao tới tận nhà qua đường bưu điện, anh Ngọc chia sẻ: "Đây là hình thức giao dịch rất tiện lợi cho người dân. Nếu như trước đây, tôi phải đến Văn phòng đăng kí đất đai nộp hồ sơ, thì nay chỉ cần một chiếc máy tính có kết nối internet là có thể thực hiện được, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc nộp hồ trực tuyến sẽ là một biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả".
Không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho người dân, chuyển đổi số còn tác động tích cực tới nhiều ngành nghề, lĩnh vực của tỉnh. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Thái Nguyên đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch để thực hiện chuyển đổi số, trong đó, tập trung vào việc xây dựng chính quyền điện tử, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân, doanh nghiệp; tích cực nghiên cứu, hợp tác để làm chủ công nghệ; tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư nền tảng số và hạ tầng công nghệ thông tin… Với sự chỉ đạo quyết liệt, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, trong xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, UBND tỉnh Thái Nguyên đã công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của các cơ quan nhà nước tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, 1.231 thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện cung cấp và thực hiện mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành tỉnh được quan tâm vận hành và duy trì thường xuyên. Ước tính trong quý I/2021, hệ thống gửi/nhận trên 38.000 văn bản (ước tính tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ đồng tiền gửi/nhận văn bản, tiết kiệm được khoảng 3 triệu giờ/quý). Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang thực hiện thí điểm Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Với nền tảng công nghệ hiện đại, Trung tâm IOC tỉnh Thái Nguyên cho phép kết nối những trường thông tin, trích xuất dữ liệu; tiếp nhận thông tin phản ánh của mọi người dân, doanh nghiệp, phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, các cấp chính quyền…
Trong phát triển kinh tế số, xây dựng đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, phần mềm quản lý chương trình OCOP theo yêu cầu. Ngoài ra, nhiều Sàn giao dịch thương mại điện tử, Website được xây dựng và đưa vào hoạt động đã góp phần quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phát triển. Tại Website Chè tích hợp truy xuất nguồn gốc, có trên 50 doanh nghiệp tham gia với trên 1000 sản phẩm bán trực tuyến, thanh toán theo hình thức COD và hỗ trợ cấp mã QR code miễn phí cho sản phẩm của các doanh nghiệp.
Trong thanh toán không dùng tiền mặt, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội
Về phát triển xã hội số, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực triển khai đào tạo trực tuyến, xây dựng kho dữ liệu ngành. Đến nay, đã triển khai phần mềm ứng dụng quản lý nhà trường tại 100% cơ sở giáo dục, từ mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên; 100% cơ sở giáo dục có đường truyền internet, hạ tầng mạng LAN, phòng máy đảm bảo tối thiểu hạ tầng Công nghệ thông tin; 100% các đơn vị, nhà trường thực hiện khai thác ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy và học, triển khai phần mềm soạn giảng giáo án điện tử... Ngành Y tế ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học kết hợp với công nghệ số để chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng người bệnh; thực hiện khám chữa bệnh từ xa... để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân là do hạ tầng kĩ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; nhiều doanh nghiệp của tỉnh còn chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng phát triển công nghệ hiện đại, quy mô kinh tế còn nhỏ; chuyển đổi số đặt ra nhiều thách thức, nhất là ở các vùng khó khăn, miền núi, vùng cao… Bên cạnh đó, cơ cấu và nguồn nhân lực công nghệ thông tin thấp; nhận thức về chuyển đổi số của cán bộ, công chức, viên chức, người dân còn chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, đơn vị, địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Để quyết tâm thực hiện thành công chuyển đổi số, xây dựng Thái Nguyên trở thành
trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc, phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại. Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số kết hợp thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp. Mỗi cán bộ, đảng viên cần chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia và phục vụ thành công chuyển đổi số. Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.