Y tế số cần phát huy lợi thế từ công nghệ 5G

Thứ ba - 04/01/2022 04:21 0
Việc phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh thông minh, sử dụng bệnh án điện tử, ứng dụng các công nghệ số trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data)… đang là một hướng đi đúng đắn trong xu hướng y tế số hiện nay.
Y tế số cần phát huy lợi thế từ công nghệ 5G

Y tế Việt Nam đã chủ động nắm bắt cơ hội này để phát triển, bước đầu thu được những kết quả, thành tựu tích cực. Tuy nhiên, để đẩy mạnh hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) trong y tế cũng như hướng đến nền y tế số bền vững, luôn gặp phải những vấn đề nội sinh cần phải được giải quyết. Đó là các thách thức liên quan đến bệnh nhân, chuyên gia y tế, nhà phát triển công nghệ, nhà hoạch định chính sách và những vấn đề liên quan, quan trọng khác.

20220104-pg4.jpeg

Giao ban trực tuyến từ phòng họp Bệnh viện huyện Hòa Vang đến phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP. Đà Nẵng vào ngày tháng 7/2020. (Ảnh: VNS)

Vì điều này hội thảo với chủ đề "CĐS ngành Y tế hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ Y tế và Chăm sóc sức khỏe (CSSK) cộng đồng" do Tập đoàn dữ liệu Quốc tế IDG, Cục CNTT - Bộ Y tế, Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức ngày 30/12 mở ra các quan điểm, đề xuất, giải pháp để phát triển mạnh mẽ thúc đẩy phát triển ngành Y tế hiện nay.

CĐS là lực đẩy phát triển

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách & Phát triển truyền thông cho rằng, để phát triển ngành Y tế hiện nay bền vững cần sớm hình thành, phát triển toàn diện hệ sinh thái số - vận hành dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả các giá trị, dữ liệu số.

Để làm được điều này, các bệnh viện cần: Tạo nguồn dữ liệu y tế số từ thống kê hành chính ngành Y tế, y tế dự phòng (Bộ Y tế, Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, Tổng cục thống kê), phối hợp chia sẻ thông tin cùng các đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm (Viettel, VNPT…); chuẩn hóa dữ liệu y tế người bệnh/người sử dụng dịch vụ; hoàn thiện dữ liệu sức khỏe cá nhân (thiết bị/ứng dụng thông minh: điện thoại, máy chạy bộ đo nhịp tim…).

Với quan điểm này, ông Đồng chỉ ra các lợi ích thu được khi tạo, hoàn chỉnh, sử dụng nguồn dữ liệu y tế số các lợi ích đạt được gồm: Giảm sai sót, chống gian lận về y tế, bảo hiểm; tiết kiệm thời gian làm thủ tục hành chính; tăng hiệu quả tài chính điều trị, CSSK nhờ phân tích chi phí lợi ích từ phác đồ điều trị.

Cũng nêu quan điểm dựa trên nhiều căn cứ thống kê, báo cáo, ông Đồng cho biết dữ liệu y tế số mặc dù đã có những tiến bộ, tuy nhiên, vẫn chưa là điều như chúng ta kỳ vọng bởi: Thực tế dữ liệu y tế số hiện nay vẫn chưa có sự kết nối liên thông và chia sẻ; bị hạn chế trong sử dụng (chỉ dừng lại ở việc sử dụng trong nội bộ và phục vụ quản lý hành chính); có dữ liệu nhưng không thể khai thác hoặc đủ điều kiện để khai thác.

Đồng thời, khi chỉ ra nguyên nhân và những hạn chế này, ông Đồng cho rằng nguyên nhân tồn tại là do vướng các rào cản về pháp lý và kỹ thuật, trong đó về vấn đề pháp lý vẫn chưa rõ ràng, minh bạch. "Quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể chưa được phân định, do đó không thể khai thác để tạo được nhiều lợi ích mong muốn", ông Đồng nhấn mạnh.

20220104-pg6.png

Ông Luke Treloar cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh kế hoạch thương mại hóa 5G trên toàn quốc.

Đưa ra quan điểm, giải pháp khắc phục những hạn chế này, cần các thêm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân (đạo luật, nghị định), từ đó cụ thể hóa cho lĩnh vực y tế; cần phân định quyền dữ liệu: Chủ thể (công dân), bên kiểm soát dữ liệu, bên xử lý dữ liệu.

"Đặc biệt, cần thí điểm mạnh mẽ sandbox về khai thác dữ liệu số; Nghị định 47/2020 về kết nối về kết nối, chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước; Chương trình CĐS quốc gia (Quyết định 749/QĐ-TTg, ban hành ngày 03/06/2020); Cổng Data.gov.vn; Hệ tri thức Việt số hoá (phân hệ y tế)…", ông Đồng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng triển khai CĐS trong các bệnh viện là việc làm quan trọng - là lực đẩy để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ khám, chữa bệnh; đảm bảo, bảo vệ lợi ích, sức khỏe cho mọi người dân. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ dàng, cần được làm thường xuyên và tích cực hơn.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, ông Hiếu mong muốn luật khám chữa bệnh sửa đổi sớm được Quốc hội ban hành; Quy định về luật khám chữa bệnh từ xa hay việc điều trị các bệnh nhân COVID -19 hiện nay cần được sớm ban hành…

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị tiên phong đã áp dụng việc khám, chữa bệnh từ xa qua ứng dụng Telehealth (từ tháng 4/2020), đến nay việc làm này vẫn được thực hiện thường xuyên 02 lần tuần.

Đây là bước tiến trong y tế số, tạo niềm tin cho người dân đối với hệ thống ngành y, và luôn đảm bảo các buổi khám "online" có đầy đủ các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành có chuyên môn giỏi thăm khám.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này, cần nhiều sự thay đổi, hoàn thiện về mặt luật pháp. "Chưa có quy định, hướng dẫn về việc chi trả cho các bác sỹ khám bệnh từ xa; chưa có quy định về đơn thuốc điện tử…", Giám đốc Hiếu nêu quan điểm.

Đưa ra giải pháp đảm bảo cho quyền lợi cho người dân và các bác sỹ, Giám đốc Nguyễn Lân Hiếu đề xuất, bảo hiểm y tế cần có trách nhiệm nghiên cứu chính sách để chi trả phù hợp.

Bên cạnh đó, Giám đốc Nguyễn Lân Hiếu cũng chỉ ra các hạn chế trong việc khám, chữa bệnh theo mô hình Telehealth hiện nay vẫn còn gặp khó khăn về sự đồng bộ các thiết bị công nghệ (camera, đường truyền…).

Muốn Y tế số phát triển nhất thiết phải có các khung chuẩn về công nghệ để triển khai. Đồng thời, các tập đoàn công nghệ cần đẩy mạnh việc sản xuất cung cấp sản phẩm không chỉ có phần mềm mà cả phần cứng để hỗ trợ các bệnh viện các cấp hiện nay. 

"Chúng ta cần tổ chức các khóa học cho các bác sỹ nâng cao trình độ về CNTT; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, thói quen cho người dân khi khám chữa bệnh không cần phải đến bệnh viện nhưng vẫn tin tưởng vào chất lượng khám bệnh từ xa của bác sỹ…", Giám đốc Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

Y tế số cần tận dụng mọi lợi thế từ công nghệ số 5G

Trên quan điểm là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về các giải pháp y tế số, ông Khổng Văn Đông, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho rằng, y tế cần thay đổi phù hợp với các dịch vụ số: Dịch vụ toàn diện và chuyên sâu; dịch vụ cơ bản (bắt đầu bằng điều trị duy trì); dự phòng, phát hiện sớm, hỗ trợ tự tuân thủ, tự chăm sóc.

Y tế cần tích cực dịch chuyển, chủ động nắm bắt cơ hội từ các công nghệ mới như: Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, AI, 5G, chuỗi khối, đám mây…

"Công nghệ 5G giúp kết nối siêu tốc, diện tích phủ sóng rộng, tối ưu phát triển IoT; blockhain giúp xác thực bệnh án điện tử, thông tin chỉ định nhanh, rõ ràng; đám mây giúp đáp ứng triển khai mọi hoạt động nghiệp vụ, quản trị nhanh, tối ưu mọi chi phí…", ông Đông nhận định.

Khi nói về CĐS y tế, hiện nay, ông Đông cũng cho rằng y tế cần phải tập trung để hình thành toàn diện các cơ sở dữ liệu – vì đây là gốc, rễ của vấn đề phát triển. Và trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ này cần ưu tiên các vấn đề cốt lõi; khi triển khai cần đánh giá kết quả từng giai đoạn và nếu thấy hiệu quả thì tiếp tục lan tỏa, áp dụng.

"Vì CĐS Y tế là sự kết kết cả bộ phận chuyên môn, bộ phận CNTT, người đứng đầu… Đây không phải vấn đề riêng lẻ, cần nguồn lực lớn, tổng thể nên muốn tạo hiệu quả nhiệm vụ này, các bệnh viện, ngành y tế cần có lộ trình cụ thể, quyết tâm thực hiện", ông Đông nêu quan điểm.

Đồng quan điểm với ông Đông về việc cần thiết phải chủ động, tận dụng mọi lợi thế từ công nghệ, ông Luke Treloar, Đối tác - Nhóm Chiến lược Toàn cầu, Giám đốc Quốc gia - CSSK và Khoa học Đời sống cho biết thêm, lĩnh vực CSSK của Việt Nam đang tồn tại những thách thức đáng kể để đạt được tiềm năng như: Các bệnh không lây nhiễm (NCD) đang gia tăng đáng kể - sự gia tăng NCD tạo ra nhu cầu lớn hơn đối với các dịch vụ CSSK phối hợp và dài hạn phục vụ cho các bệnh mãn tính; các bệnh viện tắc nghẽn và quá tải (đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém để đáp ứng nhu cầu lớn); thiếu bác sỹ và y tá (tỷ lệ bác sĩ bình quân đầu người của Việt Nam đã đạt đến mức mục tiêu quốc gia nhưng vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt).

Với những hạn chế này, câu hỏi đặt ra, để y tế số Việt Nam phát triển hiệu quả, chất lượng tăng cao cần thay đổi những gì? ông Luke Treloar cho rằng, Việt Nam cần: Tăng cường đầu tư hệ thống các cơ sở hạ tầng mạng; đảm bảo mọi kết nối internet ổn định; tăng mức tiêu dùng tại địa phương trên các trang web liên quan đến internet và tạo nền tảng cơ sở hạ tầng cho việc ra mắt các ứng dụng mới trong các lĩnh vực phức tạp như chăm sóc sức khỏe… "Đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch thương mại hóa sớm 5G trên toàn quốc", ông Luke Treloar nhấn mạnh.

Cùng với đó, Việt Nam cần cách mạng hóa cách mọi người theo dõi và duy trì sức khỏe của họ cũng như hành động trên dữ liệu sức khỏe được cá nhân hóa, đặc biệt là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa; cải thiện khả năng tiếp cận CSSK cho người dân ở các khu vực chưa được phục vụ và giảm bớt áp lực về cơ sở hạ tầng y tế; thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng CSSK số, cho phép nghiên cứu và phát triển và khả năng cung cấp dịch vụ CSSK mới, cũng như đề xuất các hành động phòng ngừa từ dữ liệu được thu thập và xử lý; chuyển đổi Việt Nam từ hệ thống y tế trên giấy sang hệ thống kỹ thuật số gắn kết hoạt động của bệnh viện với chăm sóc y tế…

"Việt Nam cần lấy CNTT để phát triển hình thành hệ sinh thái Y tế kết nối; cần tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân để trở thành người dùng, khách hàng, công dân tiêu dùng số (trao quyền chủ động cho bệnh nhân kiểm soát việc theo dõi sức khỏe của họ)…", ông Luke Treloar nêu quan điểm./.

Nguồn tin: theo ictvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây