Nguyễn Thế Vinh (SN 1992) là CEO, nhà đồng sáng lập startup blockchain Ninety Eight. Anh từng là gương mặt người Việt duy nhất lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Asia năm 2022 ở hạng mục Tài chính và Đầu tư mạo hiểm. Đây là danh hiệu do tạp chí Forbes khởi xướng nhằm vinh danh các gương mặt trẻ tiêu biểu châu Á ở độ tuổi dưới 30. |
Phóng viên: Theo số liệu của Triple A, 21% dân số Việt Nam sở hữu tài sản ảo. Một số báo cáo khác cũng cho thấy con số tương tự. Những số liệu này có phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam?
CEO Nguyễn Thế Vinh: Báo cáo này đang nói đến tỷ lệ sở hữu, theo góc nhìn của tôi, tỷ lệ chấp nhận tài sản ảo ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn cao hơn. Nếu Việt Nam có 21% người dân sở hữu tài sản ảo, có thể đưa ra phỏng đoán, tỷ lệ chấp nhận tài sản ảo phải ở mức trên 42%.
Dù là với cách tính nào, từ những trải nghiệm của riêng mình, tôi cho rằng kết quả báo cáo phần nào phản ánh đúng những gì đang diễn ra. Điều này không bất ngờ bởi theo nhiều báo cáo trước đây, Việt Nam đều nằm trong top 10 các quốc gia chấp nhận công nghệ blockchain và các loại tài sản ảo.
Trên thực tế, blockchain không phải công nghệ đầu tiên được người Việt săn đón. Từ kỷ nguyên Internet, game trực tuyến đến các mô hình kiếm tiền trên mạng xã hội như YouTube, Facebook hay thương mại điện tử, người Việt luôn nằm trong nhóm dẫn đầu. Kết quả trên đến từ việc Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, đam mê công nghệ mới, cộng với khẩu vị đầu tư ưa thích và chấp nhận mạo hiểm.
Việc có nhiều người quan tâm đến các loại tài sản ảo sẽ mang tới lợi ích gì cho kinh tế số Việt Nam?
Người Việt đã biết đến tài sản ảo từ sớm với làn sóng đầu tư tiền mã hóa năm 2017. Từ đó đến nay, phần lớn người tham gia vào thị trường crypto và sở hữu tài sản ảo thuộc về một trong hai vai trò, nhà đầu tư (investor) hoặc người giao dịch (trader). Đến năm 2021, khi một số tựa game blockchain xuất hiện, bắt đầu có sự tham gia của nhóm người thứ 3, đó là các game thủ.
Công nghệ blockchain được sinh ra để phục vụ mọi người chứ không phải chỉ 3 nhóm đối tượng trên. Vì vậy, trong tương lai, khi có nhiều ứng dụng hơn trên không gian Web3, tỷ lệ chấp nhận blockchain tại Việt Nam sẽ còn tăng gấp nhiều lần. Các công ty công nghệ blockchain Việt đã sẵn sàng hạ tầng công nghệ để hỗ trợ cho tương lai đó.
Một ứng dụng của blockchain có thể kể đến là dùng tài khoản mạng xã hội của người dùng để tạo ví blockchain. Thay vì buộc phải lưu lại “private key” (khóa bí mật), người dùng chỉ cần nhớ địa chỉ email và mật khẩu (Ramper). Bạn thậm chí có thể gửi NFT (một loại tài sản ảo) qua email mà không cần tốn phí giao dịch (mạng blockchain Viction).
Cách đây 20 năm, mọi người đều phải học bằng A để sử dụng máy vi tính với các kỹ năng cơ bản. Giờ đây, không ai cấp chứng chỉ sử dụng smartphone. Công nghệ phải trở nên vô hình như vậy. Bạn dùng Internet, trải nghiệm Web3 và không biết đằng sau nó có sự hiện diện của công nghệ blockchain.
Với một đất nước có tỷ lệ người dân sở hữu tài sản ảo như Việt Nam, phải chăng sẽ thiếu sót lớn khi chúng ta chưa có hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo?
Từng có nhiều phản ánh về câu chuyện startup blockchain Việt phải sang Singapore mở trụ sở do thiếu hành lang pháp lý. Bản thân Ninety Eight quyết định đặt trụ sở tại Việt Nam là vì chúng tôi muốn đóng góp thuế cho Nhà nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho nhân viên.
Việt Nam có nhiều startup theo đuổi mảng blockchain và trong số đó xuất hiện cả những kỳ lân công nghệ. Để có những startup chất lượng, yếu tố nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Chất lượng nguồn nhân lực blockchain Việt Nam hiện đủ sức cạnh tranh với thế giới.
Tuy nhiên, về dài hạn, Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy sự ra đời của các chương trình đào tạo chính quy về mảng blockchain. Khi có cơ chế, được tạo điều kiện và hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các startup blockchain Việt sẽ có nhiều cơ hội hơn để vươn ra toàn cầu, gặt hái thành công trên thị trường quốc tế.
Nhiều người đang bàn về vấn đề đánh thuế Bitcoin và các loại tài sản ảo. Việc đánh thuế tài sản ảo sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?
Tôi nghĩ việc đánh thuế Bitcoin và các loại tài sản ảo là hoàn toàn khả thi. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm được việc này. Nhà nước có thể xem xét việc thu thuế tài sản ảo từ hoạt động giao dịch của sàn, người sở hữu, các doanh nghiệp,...
Hiện nhiều quốc gia đang mong muốn đánh thuế tài sản ảo. Không chỉ các chính phủ, nộp thuế tài sản ảo cũng là mong muốn chung của những người làm trong lĩnh vực này. Việc công nhận và đánh thuế tài sản ảo sẽ giúp người đầu tư được bảo vệ, hạn chế các rủi ro. Điều này cũng giúp các startup blockchain có được sự ổn định và yên tâm để tuyển dụng, tiếp tục phát triển và tạo ra sản phẩm.
Cảm ơn ông!
Theo Vietnamnet.vn Vì sao người trẻ Việt thích tích trữ tài sản ảo? (vietnamnet.vn)
Trọng Đạt
Ý kiến bạn đọc