Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào - Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn; các Bộ trưởng, Đại sứ và gần 500 đại biểu đại diện Chính phủ các nước ASEAN, các nước đối tác đối thoại, các tổ chức quốc tế.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Thủ tướng Timor-Leste Xanana Gusmao có thông điệp ghi hình gửi tới Diễn đàn.
Phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất với chủ đề "ASEAN phát triển nhanh vì tương lai bền vững", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, phát triển nhanh là phát triển số. Phát triển bền vững là phát triển xanh. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai cuộc chuyển đổi quan trọng nhất trong những thập kỷ tới.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số quan điểm về hợp tác số trong ASEAN.
Về xây dựng thể chế số mới, hiện nay hệ thống pháp luật số ngày càng phức tạp. Do vậy, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác tích cực để xây dựng và phát triển một khung thể chế số.
Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn cuộc cách mạng về công nghệ. Chúng ta cần hoàn thiện thể chế số để đảm bảo các doanh nghiệp công nghệ số hoạt động hợp pháp và được luật pháp bảo vệ.
Sự phát triển của công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, đem đến cả cơ hội và thách thức cho tất cả chúng ta. Quyết định sử dụng và quản lý chúng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tương lai của chúng ta.
Về phát triển hạ tầng số, hạ tầng số trong ASEAN nên có băng thông siêu rộng và sở hữu tính bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Chúng ta có thể thúc đẩy hạ tầng số ASEAN trở thành một trong những cơ sở hạ tầng tốt nhất thế giới.
Việt Nam đang tiến tới việc tắt sóng di động 2G trên cả nước vào tháng 9 năm nay. Tất cả điện thoại di động sẽ là điện thoại thông minh. Và điều này sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
5G và điện toán đám mây là chìa khóa trong hệ thống hạ tầng số mới.
Phát triển hệ thống cáp quang biển để tăng cường kết nối khu vực cũng là một ưu tiên trong thập kỷ tới. Việt Nam đang thực hiện các dự án cáp quang biển với nhiều đối tác trong ASEAN, để đảm bảo tính kết nối trong nước và khu vực.
Về đào tạo nhân lực số, Việt Nam đang triển khai nhiều sáng kiến để phổ cập kỹ năng số cơ bản với người dân, như thành lập Làng số, tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn bản, ứng dụng các nền tảng số để đào tạo đại trà (MOOC). Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và mong muốn học hỏi thêm từ các nước ASEAN trong việc triển khai các sáng kiến trên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trong cách mạng số, tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các quốc gia thành viên ASEAN, hầu hết là các quốc gia đang phát triển, bằng việc tận dụng hiệu quả lợi ích của công nghệ số, sẽ mở ra tiềm năng bứt phá để trở thành cường quốc.
"Các quốc gia ASEAN có nhiều điểm chung, và chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ thêm nhiều điểm chung nữa khi cùng nhau phát triển kinh tế số và xã hội số. Tương lai của ASEAN là ASEAN số. Và để xây dựng ASEAN số, chúng ta vẫn còn một chặng đường dài. Vì thế, ta cần hợp tác hơn nữa. Muốn đi xa, thì hãy đi cùng nhau", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ./.
Nguồn tin: https://mic.gov.vn/Ý kiến bạn đọc