Ra mắt Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng

Thứ hai - 02/10/2023 03:18 0
Sáng 27/9 tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã tổ chức lễ ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (viết tắt: VCSC).

20230927-ta3.jpg

Ông Nguyễn Thành Hưng - Chủ tịch VNISA phát biểu tại sự kiện

Trước đó vào ngày 15/8/2023, VNISA đã ra Quyết định thành lập Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC - Vietnam Cyber Safety for Children Club) với sự tham gia của 11 thành viên ban đầu là các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệ trẻ em tại Việt Nam. Chủ nhiệm Câu lạc bộ là ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch VNISA, Tổng giám đốc công ty SCS (với Ban Chủ nhiệm gồm 6 thành viên). 

Danh sách các đơn vị thành viên ban đầu của Câu lạc bộ:

Công ty Cổ phần An toàn thông tin Cyradar; Trung tâm an toàn thông tin, Tập đoàn VNPT; Công ty cổ phần An ninh mạng SCS; Công ty Cổ phần BKAV; Công ty cổ phần viễn thông FPT; Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam (NCS); Công ty Cổ phần Công nghệ mạng Lancs Việt Nam; Công ty Đầu tư công nghệ và dịch vụ Sconnect Việt Nam; Tổ chức World Vision Việt Nam; Tổ chức Plan Internatinal Việt Nam; Tổ chức Childfund Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA nhấn mạnh: “Việc thành lập một tổ chức trực thuộc làm nòng cốt cho các hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em là ý tưởng đã được Hiệp hội chuẩn bị khá lâu, và đến nay là thời điểm thích hợp để ra đời “Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng”.

Câu lạc bộ sẽ kết nối thành viên là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có cùng chung mục tiêu bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng, là cánh tay nối dài của các cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này; giúp Hiệp hội thúc đẩy phát triển hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên mạng tại Việt Nam. Ngay từ ban đầu, Câu lạc bộ đã thu hút được nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp, nội dung và các tổ chức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại Việt Nam tham gia”.

Câu lạc bộ VCSC sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên mạng; Phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyền truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực; thúc đẩy xây dựng các nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, tổ chức chuyên môn này cũng sẽ giúp VNISA xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn cơ sở của Hiệp hội cho các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh; góp phần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam có sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em và nhóm giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng.

20230927-ta7.jpg

Ông Ngô Tuấn Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng chia sẻ về chương trình hành động của Câu lạc bộ thời gian tới

Chia sẻ về mục tiêu và chương trình hành động sắp tới của VCSC, ông Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: Trong năm đầu tiên, Câu lạc bộ sẽ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm bảo vệ trẻ em để Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam ban hành và tổ chức đánh giá cấp chứng nhận; Xây dựng và vận hành hệ thống chia sẻ dữ liệu bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ngoài ra, Câu lạc bộ cũng sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề để phổ biến, cập nhật các thông tin kiến thức hay thúc đẩy hợp tác quốc tế, tham gia vào mạng lưới phù hợp. Với sự quyết tâm của các thành viên Câu lạc bộ cũng như sự hỗ trợ từ Hiệp hội, VCSC mong muốn tạo ra được giá trị hữu ích, và góp phần xây dựng không gian số an toàn cho mọi trẻ em Việt Nam khi tham gia vào không gian mạng."

20230927-ta6.jpg

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin phát biểu tại sự kiện

Ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam trong việc thành lập, ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng. Đây là hành động thiết thực thể hiện sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc chung tay triển khai “Trách nhiệm xã hội”.

“Câu lạc bộ sẽ là địa chỉ tin cậy của cộng đồng trong các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và là địa chỉ tin cậy kết nối các doanh nghiệp, tổ chức trong việc phát triển các các sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phù hợp với thị trường Việt Nam và vươn tầm quốc tế”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.

20230927-ta4.jpg

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng và Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa trao chứng nhận thành viên ban đầu cho đại diện 11 doanh nghiệp, tổ chức

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: “Việc ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng với sự liên kết ban đầu là những doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu về an toàn thông tin tạo cơ chế phản ứng nhanh và tích cực trước những biến đổi nhanh chóng của công nghệ; đồng thời tạo hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Trong thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng. Theo ghi nhận của tổng đài 111, hàng năm có khoảng từ 400 đến 500 cuộc gọi hỗ trợ liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra toạ đàm với chủ đề “Hỗ trợ trẻ em phòng tránh bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng và nghiện Internet” với sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Trẻ em; Cục an toàn thông tin, tổ chức World Vision Việt Nam, Childfun Việt Nam, VNPT-IT, TikTok Việt Nam. Các diễn giả phân tích về tình trạng nghiện Internet của trẻ em Việt Nam và những hệ luỵ của tới sức khoẻ và nhận thức của trẻ; đánh giá về các nguy cơ và tác động, tổn thương mà trẻ có thể phải đối mặt khi bị lừa đảo, bắt nạt trên môi trường mạng./.

Thảo Anh

Nguồn tin: Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây