Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng (2017 – 2021), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thực hiện một loạt chính sách công nghệ với trọng tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ ngành công nghiệp công nghệ trong nước và giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của các công ty công nghệ.
Các chính sách này đã có những tác động sâu rộng đến các doanh nghiệp công nghệ lớn, thị trường toàn cầu và quan hệ quốc tế.
1. Bảo vệ ngành công nghệ trong nước và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Một trong những mục tiêu lớn của ông Trump trong lĩnh vực công nghệ là giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt trong các chuỗi cung ứng quan trọng như phần cứng và linh kiện điện tử.
Chính quyền Trump đã khởi động một loạt các biện pháp bảo vệ, bao gồm các chính sách thuế quan và cấm các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc tham gia vào thị trường Mỹ.
Từ khi nhậm chức vào tháng 1/2017, ông Trump đã khởi động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại và hạn chế ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc lên các ngành công nghệ chủ chốt của Mỹ.
Vào tháng 7/2018, ông đã áp thuế quan 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm nhiều sản phẩm công nghệ như thiết bị viễn thông, điện thoại di động, và các linh kiện điện tử.
Theo Hiệp hội Công nghệ tiêu dùng, các nhà nhập khẩu sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc đã trả hơn 32 tỷ USD tiền thuế từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2021. Trong đó, gần một nửa là các sản phẩm điện tử và máy tính.
Theo một nghiên cứu của tổ chức Brookings Institution, hàng rào thuế quan khiến các công ty công nghệ Mỹ gặp khó khăn trong việc duy trì chuỗi cung ứng và dẫn đến chi phí sản xuất tăng.
Các hãng như Apple, Dell và HP đối mặt với chi phí tăng lên khi phải chuyển một phần hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc để tránh bị đánh thuế.
Chính phủ cho rằng, các thiết bị của Huawei có thể chứa "cửa hậu" cho phép thu thập thông tin tình báo từ các hệ thống viễn thông của Mỹ. Vào tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ thêm Huawei vào danh sách đen, cấm các công ty Mỹ bán linh kiện hoặc phần mềm cho công ty này.
Dù gây ra tranh cãi và làm tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, quyết định cũng tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho ngành công nghiệp công nghệ Mỹ trong việc tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế.
Theo Thời báo Phố Wall, nó thúc đẩy các công ty Mỹ đầu tư vào phát triển công nghệ viễn thông trong nước, đồng thời đẩy nhanh tiến trình phát triển mạng 5G của các hãng như Qualcomm và Intel.
2. Chính sách về mạng 5G và an ninh mạng
Triển khai mạng 5G và bảo vệ hạ tầng công nghệ quốc gia khỏi các mối đe dọa an ninh mạng cũng là một trọng tâm trong chính sách công nghệ của ông Trump.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc triển khai mạng 5G toàn cầu.
Năm 2020, ông Trump ký hai đạo luật nhằm thúc đẩy sự phát triển và triển khai mạng di động với băng rộng.
Ông muốn duy trì vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ viễn thông và bảo vệ các hệ thống viễn thông khỏi sự xâm nhập của các công ty nước ngoài.
Ông khẳng định: “Mạng 5G an toàn chắc chắn sẽ là một mắt xích quan trọng đối với sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Mỹ trong thế kỷ 21”.
Chính phủ Mỹ đã cam kết đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích các công ty như Verizon, AT&T và T-Mobile đẩy nhanh việc triển khai 5G.
Tuy nhiên, việc cấm Huawei tham gia vào các dự án 5G gây khó khăn cho các nhà mạng Mỹ, vì đây là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông giá rẻ nhất.
Một báo cáo của New York Times cho thấy, các công ty Mỹ phải tìm kiếm các đối tác thay thế, làm tăng chi phí và gây ra sự chậm trễ trong việc triển khai mạng 5G.
Đối với vấn đề an ninh mạng, chính quyền Trump thúc đẩy các biện pháp bảo mật thông tin mạnh mẽ để bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ khỏi các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia đối thủ.
Tháng 9/2018, ông Trump ban hành Chiến lược Không gian mạng quốc gia đầu tiên của Mỹ. Tháng 11/2018, ông ký duyệt Đạo luật Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng, thành lập Cơ quan An ninh Cơ sở hạ tầng và An ninh mạng (CISA).
CISA chịu trách nhiệm bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia khỏi các mối đe dọa vật lý và không gian mạng, một nhiệm vụ đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác hiệu quả giữa một loạt các tổ chức chính phủ và khu vực tư nhân.
3. Chính sách về mạng xã hội và quy định kiểm soát nội dung
Vấn đề kiểm duyệt nội dung và tự do ngôn luận trên mạng xã hội trở thành một vấn đề nhạy cảm trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.
Tổng thống Trump chỉ trích Điều 230 của Đạo luật Truyền thông giúp các nền tảng như Facebook và Twitter miễn trách nhiệm pháp lý đối với nội dung mà người dùng đăng tải.
Ông cho rằng, các công ty công nghệ lớn đã lợi dụng điều khoản này để kiểm duyệt các quan điểm chính trị một cách bất công.
Chính quyền Trump thúc đẩy việc sửa đổi Điều 230, yêu cầu doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về nội dung mà họ lưu trữ trên nền tảng của mình.
Với việc ông quay lại Nhà Trắng sau khi chiến thắng cuộc bầu cử Mỹ 2024, ngành công nghệ thế giới đang “nín thở” chờ đợi những chính sách công nghệ mới của ông trong nhiệm kỳ Tổng thống 2.0, đặc biệt trong các lĩnh vực bán dẫn, AI và cuộc chiến với Trung Quốc.
Dẫn nguồn: https://Vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc