Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1/2024, ‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050’ đã xác định rõ hạ tầng TT&TT là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian so với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Quy hoạch hạ tầng TT&TT đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số. Theo ‘Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030’, hạ tầng số Việt Nam có 4 thành phần chính là hạ tầng viễn thông và Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng vật lý - số, hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ.
Là hạ tầng của nền kinh tế, hạ tầng số Việt Nam được yêu cầu phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 10/2024 phát hành ngày 5/11, Bộ TT&TT cho biết, hiện đã có 6 địa phương gồm Cà Mau, Long An, Kon Tum, Đắk Nông, Bến Tre và Lạng Sơn ban hành kế hoạch thực hiện ‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050’ trên địa bàn tỉnh.
Cập nhật tình hình phát triển hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho hay, đến thời điểm tháng 10, tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone đạt 88,7%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 82,3%.
Về kết quả phủ sóng với các thôn lõm sóng, tính đến hết tháng 9/2024, toàn quốc còn 761 thôn lõm sóng di động, trong đó có 637 thôn đã có điện và 124 thôn chưa có điện.
Đối với việc triển khai hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định, số liệu thống kê của Bộ TT&TT cho hay, đến nay vẫn còn 3.551 thôn chưa có cáp quang đến tận thôn.
Về thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G, trong năm nay, Bộ TT&TT đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần triển khai 5G và cấp phép cho 3 doanh nghiệp Viettel, VNPT và MobiFone triển khai 5G thương mại.
Từ giữa tháng 10/2024, Viettel đã là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên khai trương mạng 5G, với 6.500 trạm thu phát sóng thông tin di động - BTS, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được thời gian qua, báo cáo chuyển đổi số quốc gia tháng 10/2024 cũng chỉ rõ một trong những hạn chế là việc hiện vẫn còn 124 thôn chưa có điện lưới, hoặc đã có điện nhưng điện không đảm bảo cho hoạt động của trạm BTS. Việc triển khai máy phát điện để cung cấp điện cho trạm BTS sẽ gây tốn kém lớn cho doanh nghiệp viễn thông, trong khi doanh thu không bù được chi phí.
Cùng với đó, một số thôn có địa hình khó khăn, chi phí đầu tư truyền dẫn điện, cáp quang và xây dựng trạm BTS tại những khu vực này tốn kém.
Để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển hạ tầng số kể trên, Bộ TT&TT đề xuất giải pháp trọng tâm là các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN cùng các địa phương phối hợp, tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để các doanh nghiệp viễn thông có thể phủ sóng các vùng lõm; đưa cáp quang tới các thôn bản, cũng như đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
'Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030’ đặt mục tiêu đến năm 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga, cảng biển, sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G... Mục tiêu đến năm 2030 là 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số. |
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc