Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng
Cần khẩn trương chuyển đổi số
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, có thể nói Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia. Những đột phá về công nghệ giúp giải phóng sức lao động cho con người, tăng năng suất lao động, nhưng đồng thời cũng đẩy hàng triệu người phải đối diện với nguy cơ mất việc làm. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Trong những ngày đầu năm mới, bên cạnh những niềm vui, thì điều khiến tôi suy nghĩ khi đọc thông tin trích từ một báo cáo cho biết, kể từ tháng 9/2022, có tới hơn 630 nghìn công nhân tại nước ta phải giảm giờ làm, chịu ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút.
Thậm chí xuất hiện làn sóng cho người lao động nghỉ việc vào thời điểm cận Tết ở một số ngành nghề, lĩnh vực do ảnh hưởng từ nguy cơ suy thoái kinh tế thế giới.
Những tín dấu hiệu trên dù chưa đến mức đáng lo ngại so với tình hình tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam, nhưng cũng cho thấy các mô hình kinh tế sản xuất truyền thống có thể gặp rủi ro lớn như nào trước biến động của thị trường thế giới.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia.
Và những người công nhân, những lao động phổ thông - vốn vẫn chiếm đa số lực lượng lao động tại nước ta - cũng là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là một trong số những mặt trái đã được dự đoán từ trước của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là trong bối cảnh xảy ra nhiều biến cố từ tình hình thế giới gần đây.
Phóng viên: Vậy để giải bài toán trên thì Việt Nam cần làm gì, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Việt Nam đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số để có thể “đi tắt đón đầu”, nắm bắt những cơ hội mà Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Tôi cho rằng, giá trị đích thực của hoạt động chuyển đổi số là phải tạo thêm việc làm mới, nguồn thu mới, giúp những người lao động phổ thông chuyển đổi được công việc thông qua phát triển kinh tế số để đa dạng hoá mô hình kinh tế. Do vậy, từ chính phủ tới doanh nghiệp và người dân đều cần đầu tư cho hoạt động này.
Giá trị đích thực của hoạt động chuyển đổi số là phải tạo thêm việc làm mới, nguồn thu mới.
Thời gian qua, đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của toàn xã hội về khái niệm, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số. Xu hướng số hóa trong hoạt động sản xuất, mua sắm và tiêu dùng ngày càng trở nên phổ biến, rõ nét.
Tuy nhiên, chúng ta cần chuyển đổi số một cách khẩn trương hơn. Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung làm chiến lược quốc gia cho từng lĩnh vực. Năm 2023, Bộ sẽ tập trung vào các kết quả cụ thể, thực chất, để chuyển đổi số đi từ chiến lược vào cuộc sống nhanh hơn, trở thành thói quen hàng ngày của công chức, doanh nhân và người dân.
Dùng nguồn vốn dữ liệu để phát triển kinh tế số
Phóng viên: Tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu số. Thứ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của dữ liệu đối với mục tiêu phát triển nền kinh tế số của Việt Nam?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Việt Nam có hai lợi thế là dân số đông, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, thứ 15 thế giới. Tỉ lệ tiếp cận Internet cao, trên 70% dân số, trong nhóm 20 thế giới.
Mỗi ngày trên không gian mạng, người Việt đang tạo ra hàng triệu nội dung mới cùng hàng tỉ tương tác. Đây là lượng dữ liệu với quy mô khổng lồ.
Nếu nói dữ liệu là loại tài nguyên mới thì Việt Nam là một quốc gia giàu có. Chúng ta đang có cơ hội dùng nguồn tài nguyên mới này để làm chủ các mô hình kinh tế số với giá trị gia tăng cao hơn so với sản xuất gia công, từ đó giúp Việt Nam vượt được bẫy thu nhập trung bình và trở thành một quốc gia phát triển.
Kinh tế số cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm kiểu mới, giúp những người nông dân, công nhân, những lao động ở các khu vực vùng sâu vùng xa chuyển đổi nghề nghiệp sang các công việc có thu nhập cao hơn và ít chịu tác động bởi các yếu tố hạn chế tại địa phương hơn.
Phóng viên: Trong thời đại số, không thể phủ nhận dữ liệu là nguồn tài nguyên khổng lồ với vai trò hết sức quan trọng. Song để tận dụng được nguồn tài nguyên này chắc chắn không phải là điều đơn giản, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Mặc dù chuyển đổi số, kinh tế số là cơ hội lớn để Việt Nam cất cánh, nhưng cũng cần nhìn nhận rằng chuyển đổi số không hề dễ dàng.
Thống kê của nhiều tổ chức trên thế giới cho thấy một con số giống nhau, đó là có ít nhất 70% nỗ lực chuyển đổi số trên thế giới gặp thất bại! Và một trong số những nguyên nhân thất bại hàng đầu của các dự án chuyển đổi số chính là thiếu tầm nhìn chiến lược và khả năng thực thi đủ tốt về dữ liệu.
Dữ liệu là tài nguyên quan trọng của kinh tế số, nhưng cũng giống như dầu mỏ, cần phải có cả một hệ thống giàn khoan, nhà máy lọc dầu, mạng lưới phân phối, vận chuyển, động cơ... để biến dữ liệu thô thành giá trị gia tăng.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai những trọng tâm gì trong năm tới để khai thác giá trị của dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Năm 2023 được Bộ Thông tin và Truyền thông xác định là năm của dữ liệu số Việt Nam, tập trung xây dựng nền móng cho chuyển đổi số bắt đầu từ dữ liệu.
Bộ sẽ thúc đẩy nhiều hoạt động liên quan tới dữ liệu như đo lường và công bố công khai các chỉ tiêu, mức độ phát triển dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy hình thành các kho dữ liệu cá nhân khi giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng để người dân chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Internet vạn vật (IoT) và 5G mang đến những thay đổi có tính bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa 5G, tạo điều kiện hạ tầng cho các thiết bị IoT phổ biến.
Khi chúng ta có được những bộ dữ liệu số chất lượng của người Việt, khi những hoạt động chính, trọng yếu của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân được đo lường, lượng hoá chính xác, chúng ta sẽ có một động lực và công cụ mới để phát triển bứt phá về kinh tế, đó chính là kinh tế số.
Để toàn dân thụ hưởng và tham gia vào kinh tế số
Phóng viên: Trong thúc đẩy phát triển kinh tế số, việc lượng hóa các thông tin, chỉ số mang lại những giá trị như thế nào cho người dân, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Theo các thống kê, năng suất lao động của một người Việt chỉ bằng 1/10 người Singapore, 1/2 Thái Lan. Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan nhân lực lao động thì Việt Nam chỉ đứng ở mức 67/141 quốc gia có xếp hạng.
Điều gì tạo nên khoảng cách này? Theo tôi đó chính là khoảng cách của cách thức làm việc ra quyết định dựa trên số liệu và cách thức làm việc ra quyết định dựa trên cảm tính.
Dữ liệu được coi là một nguồn tài nguyên đặc biệt.
Cùng một công việc, cùng một người lao động, khi được đo lường, khi có số liệu hỗ trợ, khi có số liệu để so sánh với những người khác trong cùng ngành, cùng lĩnh vực sẽ có thêm động lực để cải tiến năng suất lao động.
Nhiều công việc, nhiều người lao động khi chia sẻ dữ liệu đo lường với nhau, sẽ rút ra được những thông tin có giá trị tạo ra đổi mới sáng tạo, thay đổi cơ bản cách thức thực hiện công việc cho hiệu quả hơn.
Những dữ liệu của một ngành, khi được tích luỹ, tổ chức thành dữ liệu lớn và áp dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo, có thể tạo ra giá trị gia tăng và áp dụng để cải tiến một ngành khác, từ đó tạo thêm nhiều công việc mới, giá trị kinh tế mới, xuất khẩu ra quốc tế.
Dữ liệu là tài nguyên quan trọng của kinh tế số.
Phóng viên: Vậy bài toán đặt ra ở đây là gì, thưa Thứ trưởng? Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ triển khai những giải pháp nào để đưa kinh tế số của Việt Nam bứt phá trong năm tới?
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Theo tôi, điều quan trọng là cần phải giúp mỗi người lao động hiểu rằng, chuyển đổi số nói chung và dữ liệu số, kinh tế số nói riêng là vì lợi ích chung của tất cả mọi người, và ai cũng có thể tham gia và được lợi từ hoạt động này.
Có một văn hoá số phủ rộng khắp xã hội, chúng ta mới có thể thực hiện chuyển đổi số, xây dựng dữ liệu số một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số để thành công vẫn cần những lực lượng nòng cốt. Đó chính là những đơn vị của chính phủ, các doanh nghiệp công nghệ số với tư duy đi ra nước ngoài để cạnh tranh, mở rộng, mang doanh thu từ thị trường nước ngoài về Việt Nam. Có những doanh nghiệp này, kinh tế số của Việt Nam mới có “đầu ra” và mang về giá trị gia tăng cao.
Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
Trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nhằm tạo ra sự cộng hưởng trong nước và nước ngoài. Bộ cũng sẽ mở chiến dịch hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài.
Đặc biệt ở một số lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhiều tiềm năng như công nghệ chuỗi khối, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng với các doanh nghiệp trong nước lấy ý kiến đóng góp để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc thử nghiệm những ứng dụng của chuỗi khối vào các bài toán thực tế trong cuộc sống.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Nguồn tin: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc