Doanh nghiệp Bưu chính Quốc gia tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ hai - 30/10/2023 22:28 0
Phát huy vai trò của doanh nghiệp chủ lực, là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình dịch bệnh cũng như tình hình thế giới, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của hàng triệu cán bộ, đảng viên và người lao động, kết quả sản xuất kinh doanh Doanh nghiệp Nhà nước đang ngày càng có sự khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần, việc làm của người lao động được đảm bảo. Đặc biệt, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tại các doanh nghiệp Nhà nước luôn được chú trọng và thực hiện tốt trên nhiều lĩnh vực. Ghi nhận tại Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - doanh nghiệp Bưu chính Quốc gia được giao nhiệm vụ quản lý mạng lưới và cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trên toàn quốc.
Doanh nghiệp Bưu chính Quốc gia tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài 1: Doanh nghiệp Nhà nước với trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Mạng Internet đã trở thành một kênh truyền thông phổ biến của tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, người dùng dù ở bất kì đâu cũng chỉ cần có thiết bị thông minh và mạng Internet đều có thể tương tác dễ dàng trên các kênh mạng xã hội. Tuy nhiên, môi trường truyền thông này đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là mạng xã hội.

k1.jpg

Doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, quan trọng của nền kinh tế 

Lực lượng nòng cốt để phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội

Theo Báo cáo số 400/BC-CP, ngày 11/10/2022, của Chính phủ gửi Quốc Hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2021”, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 826 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, trong đó có 476 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 197 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, 153 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống.

Tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước chiếm 90% tổng doanh thu của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Như vậy tính đến hết năm 2021, cả nước có 673 doanh nghiệp Nhà nước.

Theo báo cáo của Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, hiện nay, Đảng bộ Khối có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước và 02 đảng bộ cơ quan, với 1.140 tổ chức cơ sở đảng, 5.902 chi bộ trực thuộc, 87.899 đảng viên.

Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thuộc nhiều cơ quan chủ sở hữu vốn khác nhau. Có trên 900 doanh nghiệp thành viên các tập đoàn, tổng công ty. Các tổ chức đảng, đảng viên trong Đảng bộ Khối hoạt động rộng khắp trong toàn quốc và một số ở nước ngoài. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các doanh nghiệp, ngân hàng trong Khối đang nắm giữ tổng tài sản là 9,93 triệu tỷ đồng; đóng góp khoảng 27-29% GDP của đất nước.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng” được tổ chức ngày 13/4/2023, tại Hà Nội, ông Nguyễn Long Hải, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương đã nhấn mạnh “Vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước được khẳng định qua nhiều kỳ Đại hội của Đảng, trong đó Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Nhìn vào doanh thu và tỷ lệ đóng góp vào GDP của đất nước chắc chắn có thể khẳng định, Doanh nghiệp Nhà nước hiện đang là lực lượng nòng cốt, dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, như: tài chính - ngân hàng, dầu khí, điện, than, khai khoáng, bưu chính, viễn thông, giao thông vận tải, xăng dầu, lương thực,... trong phát triển nền kinh tế thị trường. Đồng thời, Doanh nghiệp Nhà nước cũng ổn định chính trị, xã hội của đất nước, đặc biệt là việc tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác với các quan điểm sai trái, thù địch.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu, rộng”, các Doanh nghiệp Nhà nước không chỉ góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của đất nước mà còn là lực lượng quan trọng tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác với các luận điệu sai trái, thù địch.

k2.jpg

Hội thảo khoa học “Vai trò của kinh tế Nhà nước trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế
sâu rộng”

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ sống còn

Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, điều này đã tác động sâu sắc tới tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Hầu hết các ngành, các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động gây ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai lại có nhiều diễn biến phức tạp, gây thiệt hại không ít cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống, xã hội.

Trong bối cảnh tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn âm mưu, tìm mọi cách thức, mọi thủ đoạn chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáng chú ý, các thế lực thù địch đã lợi dụng triệt để Internet, mạng xã hội để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp không chỉ xác định một mặt là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước một mặt là nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề nguyên tắc, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đơn vị mình. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng phải song hành, gắn bó chặt chẽ với công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực phản động, thù địch trên mọi lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi.

Trước những biến động khó lường của thế giới, trước những âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, thời gian qua các doanh nghiệp Nhà nước đã và đang khẳng định rõ ràng về năng lực, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác với các thế lực thù địch, sai trái qua từng việc làm, hành động cụ thể.

Đơn cử như chủ động, kịp thời thông tin tới cán bộ, đảng viên và người lao động về những vấn đề lớn của Đảng, của đất nước, của doanh nghiệp, ban hành các bộ quy tắc ứng xử với thông tin trên môi trường Internet, quy định về việc phát ngôn của doanh nghiệp; nâng cao công tác quản lý đảng viên; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động để chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời những hành vi, quan điểm chưa đúng… Đồng thời chủ động xây dựng các phương án để bảo đảm an ninh thông tin, an toàn viễn thông, ngăn chặn các thế lực thù địch và tội phạm kinh tế xâm nhập vào mạng nội bộ, chiếm quyền điều hành gây thiệt hại về kinh tế, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh hàng không.

Đặc biệt, các Doanh nghiệp Nhà nước đã ngày càng chủ động và ngăn ngừa hiệu quả các thông tin xấu độc, xuyên tạc về chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, văn hoá, tôn giáo của các thế lực thù địch, phản động trên các diễn đàn, mạng xã hội.

k3.jpg

Kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng
đối với các Doanh nghiệp Nhà nước 

Lan tỏa tin tốt để dẹp bỏ thông tin xấu độc

Một trong những điểm đặc biệt hiện nay là đa phần các Doanh nghiệp Nhà nước đều đã xây dựng được hệ thống các kênh truyền thông đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng người dùng là khách hàng và cán bộ, đảng viên và người lao động. Điển hình như bản tin in, bản tin điện tử, bản tin truyền hình, website, cổng thông tin, các kênh mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok…) để thực hiện tuyên truyền, lan tỏa các thông tin tích cực, chính thống, các sự kiện lớn của Đảng, đất nước; các chương trình, hoạt động an sinh xã hội; các hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, người tốt việc tốt của doanh nghiệp đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động, đối tác, khách hàng trong và ngoài nước. Qua đó nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tự hào về chính Doanh nghiệp và đất nước, con người Việt Nam.

Với lực lượng cán bộ, đảng viên và người lao động đông đảo, có mặt trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc ứng dụng và triển khai hiệu quả các nền tảng lắng nghe mạng xã hội, các Doanh nghiệp Nhà nước luôn có khả năng phát hiện và kiểm soát thông tin chính xác, lọc bỏ các thông tin sai lệch, xấu độc trên mạng xã hội một cách nhanh chóng, chính xác. Các thông tin sai lệch xuất phát từ mạng xã hội có thể xuất hiện trên nhiều kênh truyền thông khác nhau, lực lượng lao động trong doanh nghiệp nhà nước do đã được tuyên truyền, trang bị các kiến thức trong lĩnh vực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nên có thể lập tức phản bác các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống của các thế lực thù địch với những luận điểm chính xác, chặt chẽ.

Trên mạng xã hội, những thông tin sai lệch, xấu độc tác động không chỉ đến doanh nghiệp mà còn gây ảnh hưởng đến toàn xã hội. Với thế mạnh về truyền thông, nhiều Doanh nghiệp Nhà nước đã xây dựng những chiến dịch truyền thông bài bản để phản bác những thông tin xấu độc.

Đặc biệt, xác định Doanh nghiệp Nhà nước chính là đơn vị đại diện của quyền và lợi ích của Nhà nước, mọi thông tin xấu độc dù lớn hay nhỏ đều có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước, nên các doanh nghiệp Nhà nước không chỉ phản bác mạnh mẽ những thông tin xấu độc, khẳng định quan điểm và lợi ích chung của đất nước mà còn giúp đông đảo cộng đồng người dùng mạng xã hội trong và ngoài nước có một cái nhìn đúng đắn, đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng sử dụng mạng xã hôi, trong nhân dân, giữ vững niềm tin về con đường đi lên Chủ nghĩa Xã hội của Việt Nam.

1.4-Hinh-MH--3-.jpg

Lan tỏa thông tin tích cực trên tất cả các phương tiện truyền thông nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào
dân tộc

Theo Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây