Vương quốc Ả Rập Xê-út đã phát triển một môi trường kinh doanh cạnh tranh, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất không phải dầu mỏ. GDP của Ả Rập Xê-út lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2022.
Từ năm 2019, Ả Rập Xê-út đã đặt mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) với kế hoạch tăng trưởng 50% và đóng góp 50 tỷ SAR vào GDP. Một phần trong chiến lược này là đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm Internet tốc độ cao và công nghệ di động. Tỷ lệ thâm nhập Internet đạt 98% theo báo cáo năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông (CITC).
Các bước tiến của Ả Rập Xê-út trong chuyển đổi số được thể hiện qua Chỉ số trưởng thành Công nghệ chính phủ (GovTech) Ngân hàng Thế giới, xếp thứ ba toàn cầu năm 2022. Nước này đã số hóa hơn 6.000 dịch vụ công, tương đương 97%. Nhiều nền tảng số được đánh giá đang tiến bộ đáng kể, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số theo Tầm nhìn 2030 của Vương quốc.
Chiến lược và chính sách cơ bản
Ả Rập Xê-út đã đưa ra sáu chiến lược cơ bản, bao gồm: Tầm nhìn 2030, Hòa nhập kỹ thuật số, Tham gia điện tử, Bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, Chiến lược quốc gia về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) và Chiến lược an ninh mạng quốc gia. Các chiến lược này nhằm tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số thành công, với trọng tâm là sự tham gia của chính phủ và các sáng kiến cải thiện dịch vụ công dân.
Cụ thể, Tầm nhìn 2030 là kế hoạch chiến lược nhằm chuyển đổi nền kinh tế và xã hội của Vương quốc, thông qua các sáng kiến như Chương trình Chuyển đổi Quốc gia (NTP) và Chương trình Hiện thực hóa Tầm nhìn Ả Rập Xê-út 2030. Chúng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, an ninh mạng và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Các nền tảng như "Absher" và "Tawakkalna" đã được ra mắt để cung cấp dịch vụ số cho công dân và cải thiện sự hiệu quả của dịch vụ công.
NTP đạt được một số thành tựu quan trọng như ban hành định hướng chiến lược cho chính phủ số, cấp phép 15 nền tảng số. Các sáng kiến của chương trình đóng vai trò lớn trong phát triển hạ tầng truyền thông trong nước, như tăng tốc độ Internet di động lên 181,24Mb/giây và tốc độ Internet cố định đạt 109,83 Mb/giây.
Hòa nhập kỹ thuật số là mục tiêu cốt lõi để cung cấp dịch vụ kỹ thuật số toàn diện. Chính phủ đã khởi động Chương trình Chính phủ Hòa nhập vào năm 2022 để cung cấp trải nghiệm kỹ thuật số thống nhất cho người dân. Chiến lược ICT năm 2023 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa nhập kỹ thuật số và nhu cầu đào tạo kiến thức và nhận thức kỹ thuật số trong cộng đồng.
Tham gia trực tuyến là một phương thức khuyến khích người dân đóng góp ý kiến và đề xuất về các vấn đề xã hội. Chính phủ đã tạo ra nền tảng trực tuyến thống nhất để lấy ý kiến công dân, từ đó phát triển các chính sách và dịch vụ phù hợp hơn.
Vương quốc cũng ban hành Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân, quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Luật này bảo vệ quyền của các cá nhân trong việc xử lý dữ liệu cá nhân, cùng với các tiêu chuẩn quản lý và bảo vệ dữ liệu được đo lường hàng năm để đảm bảo tuân thủ. Cơ quan An ninh mạng Quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh mạng của Vương quốc.
Chiến lược quốc gia về dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) là một phần quan trọng trong nỗ lực của Ả Rập Xê-út nhằm phát triển và ứng dụng AI. Mục tiêu đến năm 2030 là đưa Vương quốc vào top 15 quốc gia hàng đầu về AI, đào tạo hơn 20.000 chuyên gia AI, hợp tác với các quốc gia, tổ chức AI hàng đầu và đầu tư hơn 20 tỷ USD vào lĩnh vực này. Hệ sinh thái AI của Vương quốc cũng đặt mục tiêu phát triển hơn 300 công ty khởi nghiệp về dữ liệu và AI.
Công nghệ hiện đại đi kèm với những thách thức về an ninh mạng. Vương quốc đã công bố Chiến lược An ninh mạng Quốc gia nhằm tăng cường an ninh mạng và bảo vệ công nghệ, hệ thống vận hành và phần cứng liên quan. Cơ quan An ninh mạng Quốc gia (NCA) đảm nhận vai trò chính trong việc thực thi chiến lược này, đảm bảo sự cân bằng giữa an ninh và phát triển công nghệ.
Giải pháp cho những thách thức chuyển đổi số
Một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại Ả Rập Xê-út là tội phạm mạng gia tăng. Các cuộc tấn công càng phức tạp, nhắm vào dữ liệu, dẫn đến thiệt hại lớn về tài chính cho các tổ chức. Theo thống kê, Ả Rập Xê-út xếp thứ 9 về số vụ tấn công mạng trên toàn thế giới.
Hệ thống pháp lý của quốc gia này hiện đang gặp khó khăn trong việc đối phó với sự phát triển nhanh chóng của các kỹ thuật tội phạm mạng, khiến việc thu thập bằng chứng trở nên khó khăn. Điều này đặt ra yêu cầu khẩn thiết phải phát triển các công cụ và biện pháp phòng chống tội phạm mạng một cách mạnh mẽ hơn, giúp bảo vệ dữ liệu quan trọng của quốc gia và tổ chức.
Bên cạnh đó, tội phạm gian lận tài chính cũng là một mối đe dọa lớn. Một cuộc thăm dò năm 2022 cho thấy, có đến 62% công dân Ả Rập Xê-út từng bị lừa đảo tài chính qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử. Nó không chỉ gây tổn thất về tiền bạc mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày, đòi hỏi chính phủ cần thực hiện các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với gian lận kỹ thuật số.
Ngoài ra, lo ngại bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư khiến nhiều người do dự trong việc tiếp cận các công nghệ mới. Để khắc phục vấn đề này, các tổ chức cần đảm bảo cung cấp các thông tin rõ ràng và hỗ trợ người dùng thông qua đào tạo, truyền thông. Bằng cách tập trung vào lợi ích và cơ hội mà chuyển đổi số mang lại như cải thiện hiệu quả và thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh, các tổ chức có thể tạo ra sự tin tưởng và khuyến khích người dân tham gia để quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.
Nhằm giải quyết các thách thức nói trên, Ả Rập Xê-út đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật và pháp lý, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và bảo vệ quốc gia trước các mối đe dọa kỹ thuật số. Một trong số đó là xây dựng các quy định pháp lý linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi liên tục của công nghệ và thị trường. Vương quốc bắt đầu áp dụng các công cụ quản lý linh hoạt hơn, đạt được thông qua tham vấn toàn diện, hợp tác công – tư để tận dụng kiến thức, chuyên môn của người trong ngành.
Các công cụ quản lý dựa trên khuyến khích cũng được đưa ra, như giảm phí quy định, gia hạn thời hạn cấp phép và hỗ trợ mở rộng băng thông rộng để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi số. Ngoài ra, quy định dựa trên đổi mới bao gồm các chính sách cho lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như mạng WiFi 6e, giúp nâng cao chất lượng kết nối và khả năng sử dụng công nghệ tại Ả Rập Xê-út.
Hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số của Vương quốc. Quốc gia này đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế để tăng cường trao đổi thông tin và kiến thức ICT, giúp học hỏi và vận dụng các phương pháp tiên tiến từ các nước khác, đồng thời thúc đẩy phát triển kỹ thuật số trong nước.
Cuối cùng, hợp tác pháp lý cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Một ví dụ điển hình là việc thành lập Ủy ban Điều tiết Quốc gia (NRC), bao gồm 8 thành viên cốt cán đến từ nhiều cơ quan quản lý từ các lĩnh vực khác nhau như CITC, Bộ Giao thông, Ngân hàng Trung ương, Cơ quan Dữ liệu và AI... NRC đóng vai trò điều phối và đảm bảo sự hài hòa trong các chính sách và quy định liên quan đến kỹ thuật số, từ đó thúc đẩy đổi mới và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
NRC trực thuộc Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số (NCDT), ra đời tháng 7/2017, gồm 11 Bộ trưởng từ các bộ như CITC, y tế, tài chính, thương mại, nguồn nhân lực, giáo dục. Ủy ban có nhiệm vụ xây dựng các chính sách và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, đồng thời phát triển các kế hoạch và chương trình cần thiết để thực hiện tại Vương quốc. Mục tiêu của NCDT là hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của Tầm nhìn 2030.
Link bài viết gốc: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-cai-cach-manh-me-moi-nganh-cong-nghiep-a-rap-xe-ut-2329834.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc