Bộ TT&TT ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số

Thứ hai - 15/01/2024 05:17 0
Ngày 29/12/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Khung CPĐT 3
Khung CPĐT 3

Quyết định này thay thế Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ TT&TT ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0.

Mục đích ban hành

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số được ban hành nhằm hướng dẫn các Bộ, tỉnh xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 trên cơ sở nâng cấp, cập nhật các nội dung từ phiên bản 2.0. Đồng thời nhằm hình thành và triển khai áp dụng đồng bộ hệ thống Kiến trúc Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương với mục tiêu: 

20230109-pg1.jpg

-Tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên công nghệ thông tin trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước, cung cấp hiệu quả các  dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

- Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư công nghệ thông tin; hướng tới triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp.

- Tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Phạm vi áp dụng

Khung Kiến trúc được áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức khác có thể tham khảo để triển khai áp dụng.

Một số cập nhật so với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt  Nam, phiên bản 2.0

Từ thực tiễn triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số  (sau đây gọi tắt là Chính phủ điện tử), Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt  Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số đã nghiên cứu xây dựng và cập nhật, bổ sung một số nội dung mới so với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt  Nam, phiên bản 2.0 đã được ban hành. Cụ thể: 

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt  Nam, phiên bản 3.0 đã cập nhật Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử và mô tả các thành phần, trong đó:

- Bổ sung Nền tảng định danh và xác thực điện tử, Hệ thống định danh và  xác thực điện tử và việc khai thác, sử dụng các hệ thống này theo quy định tại  Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định  danh và xác thực điện tử và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định  danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025,  tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). 

- Bổ sung Trung tâm dữ liệu quốc gia, Kho dữ liệu về con người, Kho dữ  liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia được đề cập trong Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về Phê duyệt Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia. 

- Bổ sung, cập nhật tên của một số hệ thống theo ý kiến góp ý của các Bộ, ngành và địa phương. 

Đồng thời cập nhật các mô hình tham chiếu gồm: Mô hình tham chiếu nghiệp  vụ (BRM); Mô hình tham chiếu dữ liệu (DRM); Mô hình tham chiếu Ứng dụng  (ARM); Mô hình tham chiếu Công nghệ (TRM); Mô hình tham chiếu An toàn  thông tin mạng, an ninh mạng (SRM). Ngoài ra cũng cập nhật, bổ sung một số văn bản có liên quan mới ban hành vào các mô  hình tham chiếu một cách tương ứng.

Tổ chức thực hiện

Về tổ chức thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Chuyển đổi số Quốc gia) có trách nhiệm  chủ trì triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0,  hướng tới Chính phủ số, bao gồm các nội dung chính:  Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn triển khai Khung Kiến trúc Chính phủ  điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; Hướng dẫn xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến  trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện  tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; cho ý kiến góp ý đối với Dự  thảo Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; Nghiên cứu, xây dựng các mô hình, mẫu, công cụ, hệ thống quản lý Kiến  trúc Chính phủ điện tử để hỗ trợ quản lý phát triển Chính phủ điện tử; Kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, áp  dụng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử; Định kỳ hàng năm báo cáo tình hình xây dựng, áp dụng, cập nhật Kiến  trúc Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất điều  chỉnh, cập nhật Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phù hợp với nhu cầu thực tế; Đào tạo, tập huấn, giải thích, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương về xây dựng, triển khai, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về Kiến trúc Chính phủ điện tử.  

Quyết định cũng quy định rõ trách nhiệm của đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ, Sở TT&TT các tỉnh, thành gồm: Xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh phù hợp với Khung Kiến  trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số trình Bộ trưởng/Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt; sau khi  phê duyệt gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc; Xây dựng, cập nhật các chương trình, kế hoạch về ứng dụng công nghệ  thông tin, phát triển Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử trình cấp có thẩm  quyền phê duyệt để bảo đảm đồng bộ, tuân thủ Khung Kiến trúc Chính phủ điện  tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; Kiến trúc Chính phủ điện tử  cấp bộ; Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; Thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, hướng  dẫn triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ; Kiến trúc Chính quyền điện  tử cấp tỉnh; Đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các nội dung Kiến trúc  Chính phủ điện tử khi triển khai các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, phát  triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Đề xuất các cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí kinh phí xây dựng, duy trì, tổ chức triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử./. 

theo Mic.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây