Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, ngành bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia. Để có sự định hướng, phát triển lâu dài lĩnh vực này, Việt Nam hiện đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Ngành bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia.
Bàn về xu thế phát triển của ngành bán dẫn, Bộ trưởng và ông Chris Miller có cùng quan điểm, ngành bán dẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong vài chục năm tới. Đặc biệt với việc tích hợp AI vào các thiết bị công nghiệp cũng như thiết bị dành cho người sử dụng thì số lượng thiết bị sử dụng chip cũng như số lượng con chip trong một thiết bị sẽ tăng rất nhanh, trong những lĩnh vực như ô tô điện hay ô tô tự lái hiện có đến hàng ngàn con chip.
Liên quan đến vấn đề thị trường 100 triệu dân của Việt Nam có đủ để phát triển ngành bán dẫn nội địa, ông Chris Miller cho biết, sản xuất chip phải sản xuất với số lượng lớn mới có hiệu quả kinh tế. Do đó, các nhà sản xuất phải tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đi ra thị trường quốc tế. Đó là chiến lược mà Hàn Quốc, Đài Loan đã áp dụng và thành công. TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) cũng bắt đầu từ việc sản xuất những con chip nhỏ mà trở thành nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất châu Á.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng tranh tem cho Giáo sư Chris Miller
Ông Chris Miller chia sẻ thêm, hiện nay các nhà lãnh đạo các quốc gia chưa nhìn nhận đúng mức vai trò quan trọng của thiết kế chip để tập trung đầu tư. Trong chuỗi gía trị của ngành bán dẫn, 40% giá trị đến từ thiết kế. Các công ty chip lớn nhất thế giới Nvidia, AMD, Qualcomm chỉ làm thiết kế. Sự khác biệt lớn nhất giữa điện thoại của Apple và Samsung cũng nằm ở thiết kế chip.
Trong buổi làm việc, Bộ trưởng và ông Chris Miller đã chia sẻ một số quan điểm và các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn tại Việt Nam, bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư phát triển nguồn nhân lực kỹ năng cao thông qua hợp tác với các trường đại học quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia, xây dựng một hệ sinh thái bán dẫn để tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị ngành bán dẫn trên toàn cầu. Đặc biệt, ông Chris Miller nhấn mạnh trong quá trình dự thảo Chiến lược quốc gia về bán dẫn cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp trong ngành để Chiến lược này có tính khả thi, có khả năng áp dụng thực tiễn, thực sự thúc đẩy ngành bán dẫn tại Việt Nam.
Toàn cảnh buổi làm việc
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những góc nhìn, tư vấn, đóng góp ý kiến của ông Chris Miller về định hướng phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng Bộ TT&TT sẽ sớm hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phát triển ngành bán dẫn Việt Nam để Việt Nam thực sự nắm được cơ hội phát triển ngành này, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Chris Miller, Giáo sư lịch sử kinh tế trường Đại học Tufts, là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến con chip” (Chip Wars). Cuốn sách nói về sự chuyển đổi của con chip, nay đã trở thành linh kiện cốt yếu trong nhiều sản phẩm, thiết bị sử dụng trong cuộc sống thường ngày. Cuốn sách đã được Giải thưởng Sách Kinh doanh tiêu biểu năm 2022 của Báo danh tiếng Financial Times. |
Ý kiến bạn đọc