Nhằm đẩy mạnh việc chuyển sang mạng 5G trên toàn quốc, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G vào tháng 10 tới đây bằng cách sử dụng các thiết bị được sản xuất hoàn toàn trong nước.
5G là công nghệ di động thế hệ thứ 5 có độ trễ đặc biệt thấp hơn so với các thế hệ trước – đó là thời gian để các thiết bị liên lạc với nhau thông qua mạng không dây. Mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G, với độ trễ hoặc thời gian trễ thấp hơn tới 25 lần và có thể hỗ trợ kết nối đến một triệu thiết bị trong phạm vi 1km2. Hơn hết, công nghệ này còn giúp tiết kiệm năng lượng và các thiết bị ít hao tốn điện năng hơn.
Trải nghiệm Internet tốt hơn là kết quả dễ thấy nhất mà mạng 5G mang lại. Hơn thế, mạng 5G cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích khác. Mạng 5G sẽ hỗ trợ một cơ số các thiết bị chạy bằng pin được gia tăng kết nối, duy trì hoạt động và kết nối với ít bộ điều chỉnh hơn, cho phép sử dụng mạng không dây ở những khu vực vùng sâu vùng xa, khó tiếp cận với dịch vụ.
Tất cả các thiết bị từ bộ điều khiển nhiệt độ và loa thông minh, đến bộ cảm biến hàng hóa trong ngành công nghiệp và lưới điện thành phố sẽ có vai trò riêng. Hơn nữa, công nghệ 5G sẽ là trung tâm của các thành phố thông minh và công nghiệp 4.0 nhằm mang lại cho chúng ta một cuộc sống và công việc hiệu quả hơn, an toàn hơn.
Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta bước vào thế giới mạng lưới Internet vạn vật (IoT), góp phần giúp các thành phố giám sát cơ sở hạ tầng tốt hơn, ứng dụng trong quá trình tự động hóa thông minh của các nhà máy - chuyển dịch quy trình làm việc linh hoạt.
Công nghệ 5G mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng sức ảnh hưởng cũng có thể khiến cho người dùng không được an toàn. Cũng giống như những nền tảng công nghệ mới nâng cấp khác, mạng 5G cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo những dự báo về công nghệ mạng 5G năm 2020, sự gia tăng đáng kể về số lượng và tốc độ truyền phát dữ liệu của các thiết bị sẽ dẫn đến nhiều mối đe dọa. Dưới đây là những thách thức chính được các chuyên gia Kapersky dự báo cần được giải quyết:
Lỗ hổng của dịch vụ viễn thông và cơ sở hạ tầng
Khi những cải tiến 5G ngày càng phổ biến, thì những bất cập sẽ dễ xuất hiện trong các thiết bị 5G, cũng như mô hình khách hàng và cách thức quản lý của các cơ quan chức năng. Điều này có khả năng dẫn đến việc những kẻ tấn công sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng viễn thông, theo dõi hoặc làm chuyển hướng truy cập của khách hàng.
Theo đó, năng lực sử dụng các kỹ thuật xác nhận khách quan và chuyên biệt cần được thiết lập để đánh giá cả người sử dụng và nhà cung cấp 5G, nhằm phát hiện ra các lỗi và quy định các bản sửa lỗi trên toàn quốc.
Mối quan tâm về quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng
Mạng 5G được triển khai cũng đồng nghĩa với việc nhiều trạm thu phát sóng được triển khai tại các trung tâm thương mại và tòa nhà. Với bộ công cụ phù hợp, bất kì ai cũng có thể thu thập và theo dõi vị trí chính xác của người dùng.
Một vấn đề khác là các nhà cung cấp dịch vụ 5G sẽ có quyền truy cập rộng vào lượng lớn dữ liệu được thiết bị của người dùng gửi đi, bằng cách đó họ có thể biết được chính xác những gì đang diễn ra bên trong nhà của họ thông qua siêu dữ liệu về môi trường sống, những tham số và các thiết bị cảm biến trong nhà. Dữ liệu như vậy có thể tiết lộ thông tin riêng tư của người dùng hoặc có thể bị thao túng và sử dụng sai mục đích.
Các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể bán dữ liệu đó cho các công ty dịch vụ khác, như các công ty quảng cáo, những dữ liệu này có thể giúp họ tìm kiếm thêm khách hàng mới. Trong một số trường hợp, các lỗ hổng bảo mật còn có thể đe dọa đến sức khỏe của người dùng, như có thể khiến các tiện ích trị liệu sức khỏe của khách hàng bị ngắt kết nối và không hoạt động. Các mối đe dọa tiềm tàng sẽ còn nguy hiểm hơn khi các thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng như thiết bị nước và năng lượng cũng có nguy cơ bị đe dọa.
Tầm quan trọng của việc mở rộng cơ sở hạ tầng và những rủi ro
Mạng 5G sẽ hỗ trợ phủ sóng đến một lượng lớn các khu vực địa lý so với hiện tại. Nó cũng sẽ trang bị cho các thiết bị không kết nối mạng chức năng giám sát và điều khiển từ xa. Tuy nhiên, việc gia tăng về số lượng của các hệ thống liên kết này sẽ dẫn đến nguy cơ hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu mất đi tầm quan trọng, tăng nguy cơ tiếp xúc với những rủi ro. Con người sẽ được tận hưởng sự tiện lợi và hoạt động giao tiếp không gián đoạn, nhưng những mối đe dọa kèm theo đó có thể gây ra nguy cơ đối với an toàn cộng đồng.
Sự hợp tác là chìa khoá
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Công nghệ 5G rõ ràng là một bản nâng cấp so với kết nối Internet mà chúng ta hiện có. Nó chắc chắn sẽ đóng vai trò là một công cụ mạnh mẽ, đồng thời cũng đi kèm với rủi ro bảo mật lớn hơn vì nhiều dữ liệu sẽ được thu thập và nhiều sự chồng chéo hơn giữa thế giới ảo và thực tế. Các lỗ hổng bảo mật mạng có thể hình thành trong một loạt các cuộc tấn công, chẳng hạn như tấn công DDoS, tấn công MiTM (Man-in-the-Middle), theo dõi vị trí và chặn cuộc gọi, ...
Tuy nhiên, 5G không phải là kẻ thù mà là một công cụ hữu ích có thể giúp chúng ta rất nhiều khi được triển khai đúng cách, đặc biệt là trong một chiến lược an ninh mạng, ông Neumeier cho hay.
"Để ngăn chặn tội phạm mạng khai thác các cơ hội của mạng 5G, thì sự minh bạch và hợp tác chính là chìa khóa. Chính phủ và các nhà lãnh đạo ngành nên hợp lực và tham gia vào các cuộc đối thoại về việc triển khai công nghệ này một cách an toàn để góp phần tạo ra những thành phố thông minh. Cả cơ quan nhà nước và tư nhân cũng nên hợp tác với nhau trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng vì mạng 5G sẽ mang lại cho mỗi người dùng trách nhiệm lớn hơn về bảo mật và quyền riêng tư của họ", ông Neumeier cho biết thêm.
Trong khi công nghệ 5G sắp phổ biến tại Việt Nam, để đảm bảo an toàn cho thiết bị và dữ liệu của người dùng khi trực tuyến, người dùng được khuyến nghị cài đặt giải pháp chống virus trên tất cả các thiết bị. Các phần mềm chống virus sẽ giúp bảo vệ thiết bị khỏi virus.
Người dùng cũng sử dụng VPN để ngăn không cho người lạ truy cập dữ liệu của bạn khi không được phép, cũng như theo dõi hoạt động trực tuyến của bạn; Thiết lập mật khẩu bảo mật mạnh; Cập nhật mật khẩu mặc định trên tất cả các thiết bị IoT và luôn cập nhật các bản vá bảo mật trên tất cả các thiết bị IoT.
Các thiết bị bao gồm điện thoại di động, máy tính, tất cả thiết bị nhà thông minh và thậm chí cả hệ thống thông tin giải trí trên ô tô phải luôn được cập nhật bản bảo mật mới nhất (từ ứng dụng, firmware, hệ điều hành...) Nguồn tin: "Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông"