Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long; các Bộ trưởng, Trưởng ngành, các thành viên Ủy ban Quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Bộ TT&TT có Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số và Thứ trưởng Phạm Đức Long, Uỷ viên Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trình bày báo cáo tóm tắt về các giải pháp xây dựng Chính phủ số, Xã hội số và Công dân số phục vụ phát triển kinh tế số. Trong đó có đánh giá kết quả 04 năm thực hiện chuyển đổi số Việt Nam, các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm, một số tồn tại, hạn chế và giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số đã nhấn mạnh vai trò quyết định của người đứng đầu đối với sự thành công của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về thay đổi hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. 70% là thay đổi và 30% là công nghệ.
Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và quyền lực để điều hướng các nguồn lực để thực thi chuyển đổi số. Người đứng đầu không chỉ chỉ đạo mà còn trực tiếp tham gia và sử dụng các công cụ số trong công việc hàng ngày. Chuyển đổi số là trải nghiệm và nếu người đứng đầu không sử dụng các công cụ số thì sẽ rất khó để chỉ đạo về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số thì Chuyển đổi là danh từ, Số là tính từ, Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ để thực hiện sự chuyển đổi. Chuyển đổi số là số hóa toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công.
Qua 4 năm thực hiện, các yếu tố công nghệ cho chuyển đổi số ở Việt Nam đã sẵn sàng, đạt được một số thành công bước đầu đáng khích lệ. Quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện tại sẽ phụ thuộc vào người đứng đầu các cấp, đặc biệt là Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh. Nghiên cứu của McKinsey cho thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu làm tăng mức độ thành công của chuyển đổi số lên 1,8 lần và nếu có kế hoạch rõ ràng, cụ thể, tỉ lệ này sẽ tăng lên thêm 3,1 lần.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là công việc hàng ngày của người đứng đầu. Thông qua việc hàng ngày sử dụng các công cụ số, người đứng đầu sẽ nhận ra các nhu cầu về đổi mới và liên tục đặt ra các yêu cầu về đổi mới trong chuyển đổi số .
Chuyển đổi số Việt Nam đã qua 4 năm tìm tòi, thực hiện, làm mẫu, đã ứng dụng thành công ở một số Bộ, ngành, địa phương, giai đoạn hiện tại là giai đoạn nhân rộng những thành công ra toàn quốc.
Trong giai đoạn nhân rộng, việc giao nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa quyết định. Chuyển từ quản lý cách làm sang quản lý mục tiêu. Sẽ không chỉ là mục tiêu chung chung cho toàn quốc nữa mà sẽ có mục tiêu cho từng Bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đo lường trực tuyến. Đo lường trực tuyến là đo lường khách quan về việc thực thi của các Bộ, ngành, địa phương, là một sự thay đổi căn bản trong quản trị và là cơ sở để đánh giá cán bộ. Bộ TT&TT đã phát triển hệ thống đo lường trực tuyến, kết nối trực tuyến với các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng sẽ có số liệu chính xác về chuyển đổi số cấp mình một cách tức thời để có thể chỉ đạo công tác chuyển đổi số cấp mình. Thủ tướng Chính phủ sẽ có số liệu chính xác để thúc đẩy chuyển đổi số, đánh giá cán bộ. Bộ TT&TT cũng sẽ thiết lập một địa chỉ công bố các điển hình thành công, các Bộ, ngành, địa phương đã làm thành công về chuyển đổi số để hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương khác thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số mà Thủ tướng Chính phủ giao.
Đã đến lúc chúng ta cần phải có một kế hoạch chuyển đổi số tổng thể quốc gia. Thủ tướng Chính phủ sẽ giao những nhiệm vụ, mục tiêu chuyển đổi số cụ thể có tính pháp lệnh cho từng Bộ, ngành và địa phương để chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ trên bình diện quốc gia. Chuyển đổi số chỉ khi là toàn dân và toàn diện mới phát huy được hiệu quả tổng thể, cộng hưởng, khuếch đại và đạt hiệu ứng cấp số nhân.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện và trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số để thống nhất triển khai trong giai đoạn tới.
Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia có cơ sở chính trị là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế, phong trào, là yêu cầu khách quan, do đó, "chỉ bàn làm, không bàn lùi, khó mấy cũng phải làm". Trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều khó khăn và hạn chế trong quá trình chuyển đổi số như một số lãnh đạo chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Xây dựng chính sách còn chậm, hạ tầng số phát triển chưa đồng đều và công tác an ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức.
Sau khi phân tích các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng khái quát 5 bài học kinh nghiệm quan trọng, bao gồm huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, duy trì kỷ luật, kỷ cương và lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của công cuộc chuyển đổi số.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ, điều quan trọng nhất, quyết định nhất, mang tính chiến lược, lâu dài, cơ bản là các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải tiên phong, gương mẫu thúc đẩy chuyển đổi số thuộc phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, "đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn, làm việc có trọng tâm, trọng điểm rồi phải xác định trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa"./.
Theo Mic.gov.vn (https://mic.gov.vn/phat-huy-vai-tro-tien-phong-de-tang-toc-but-pha-chuyen-doi-so-197240719203229482.htm)
Ý kiến bạn đọc