Muốn phát triển đường dài, nhân lực ngành game cần được đào tạo bài bản

Thứ tư - 29/05/2024 03:46 0
Chính phủ không đưa game vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên đây được xem là một ngành tiềm năng, do đó, công tác đào tạo nhân lực ngành game cần được tiến hành một cách bài bản.
Muốn phát triển đường dài, nhân lực ngành game cần được đào tạo bài bản

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện (VTC), tại Ngày hội Vietnam GameVerse 2024 diễn ra mới đây.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền thông đa phương tiện VTC. Ảnh: Lê Mỹ

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, nếu hiểu game là ngành nội dung số dựa trên công nghệ số thì điều đầu tiên cần quan tâm là nguồn nhân lực số mà nền móng chính là công tác đào tạo. Trước đây,  game được nhìn nhận là trò giải trí, vô bổ nhưng từ năm 2023, quan điểm này đã thay đổi. Năm ngoái, Chính phủ đã không đưa game vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mà xem đây là một ngành tiềm năng, cần có động lực thúc đẩy phát triển, thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản. 

Tại Việt Nam, đa số những người làm game tự tìm tòi, sáng tạo ra các sản phẩm. Chính sự đam mê, sáng tạo, không ngại khó, khổ và nhanh nhạy nắm bắt thị trường đã đưa ngành game Việt Nam năm 2023 vào top 5 thế giới với hơn 4,2 tỷ lượt tải (theo thống kê của Google).

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều game chưa tốt do thiếu sự bài bản và kiến thức chưa mở rộng. Chính vì thế, đào tạo trở thành môi trường để những người làm game học hỏi, chia sẻ lẫn nhau, làm cho kiến thức không bị mai một và người học có thể biết bắt đầu từ đâu. 

Đào tạo ngành game tại Việt Nam cần được làm một cách bài bản. Ảnh: Lê Mỹ

Tổng Giám đốc VTC cho rằng từ trước đến nay, vì mọi người chỉ hiểu game là trò giải trí nên không gian về game trở nên chật hẹp. Ông đưa ra định nghĩa game+ và game+++ để mọi người có thể hiểu game như một xã hội thu nhỏ trong thế giới ảo.

Game có thể được mở rộng ra các lĩnh vực khác, có thể là tương lai của ngành giáo dục. Điển hình trong việc học lịch sử, thay vì dạy theo truyền thống một cách khô khan, có thể chuyển hóa bài học thành game có nội dung lịch sử để học sinh tiếp thu nhanh hơn. 

Bên cạnh đó, game có thể giải quyết được vấn đề về thực hành, chẳng hạn đối với một số vấn đề thế giới thực chưa làm được, có thể đưa lên không gian ảo để thử nghiệm trước, sau đó chuyển hóa về không gian thực. 

Trở lại với công tác đào tạo ngành game, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng tại Việt Nam, game được coi là một ngành nên đã hình thành nghề, nhưng lại chưa có cơ sở đào tạo và cấp bằng về nghề game một cách chính quy. Chính vì thế, để ngành phát triển lâu dài, cần tiến hành đào tạo một cách bài bản. Đối với một sản phẩm game, khâu thiết kế game là quan trọng nhất nhưng ở Việt Nam, công đoạn này vẫn còn yếu, vì thế cần bắt đầu đào tạo từ khâu này. 

Cùng quan điểm, TS. Cao Minh Thắng, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông CDiT, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chủ trì xây dựng Chương trình thiết kế và phát triển game, cũng chia sẻ theo dữ liệu khảo sát trong 3 năm qua, năng lực thiết kế game của Việt Nam còn hạn chế.

Ngành game trong nước chủ yếu nhập, chỉnh sửa, phát hành hoặc thiết kế dòng game đơn giản, chạy theo xu hướng, ít sáng tạo. Cùng với đó, công nghệ thiết kế và phát triển còn lạc hậu, quá tập trung vào dòng game mobile. Các nhà phát triển trong nước chưa tận dụng được thế mạnh công nghệ mới, đặc biệt là AI, dù chủ đề này được nói rất nhiều trong thời gian qua.

Chính vì vậy, để tiến tới mục tiêu tỷ đô, ngành game cần chương trình đào tạo chuyên sâu. Hai năm qua, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của cơ quan ban, ngành, các công ty lớn. 

Theo Vietnamnet.vn Muốn phát triển đường dài, nhân lực ngành game cần được đào tạo bài bản (vietnamnet.vn)

Lê Mỹ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây