Hạ tầng quan trọng thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số
Ngày 7/6, hội nghị chính của sự kiện VNNIC Internet Conference 2024 chủ đề “An toàn, bền vững hạ tầng Internet trước sự phát triển các công nghệ mới” đã được Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC, Bộ TT&TT tổ chức tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường cùng nhiều nhà quản lý, chuyên gia Internet trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo đại diện VNNIC, tiếp nối thành công của chuỗi sự kiện trong các năm trước, VNNIC Internet Conference 2024 được mở rộng với 1 hội nghị chính, 3 phiên chuyên đề cùng 3 workshop trong 4 ngày từ ngày 4/6 đến ngày 7/6.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho hay, một trong những quan điểm phát triển được xác định rõ trong “Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đó là, hạ tầng TT&TT là hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội, gắn kết sự phát triển trên không gian mới so với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nhắc lại nội dung được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tổng quát hóa - “Hạ tầng viễn thông là tầng đáy. Trên hạ tầng viễn thông là hạ tầng Internet. Trên hạ tầng Internet là hạ tầng số. Trên hạ tầng số là hạ tầng chuyển đổi số”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Internet là một trong những hạ tầng quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển dữ liệu số, công nghệ số và chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, từ thời điểm chính thức kết nối Internet toàn cầu vào năm 1997, Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, trở nên lớn hơn về quy mô, nhanh hơn về kết nối và hiện đại hơn về công nghệ. Từ một mạng độc lập duy nhất, đã phát triển lên đến gần 1.000 mạng có IP và số hiệu mạng độc lập kết nối với nhau. Tỷ lệ chuyển đổi sử dụng địa chỉ Internet mới IPv6 của Việt Nam đã đạt 60. Việt Nam hiện là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về tỷ lệ này.
Để đáp ứng giai đoạn chuyển đổi số, hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Để đáp ứng sự phát triển của các dịch vụ Internet, công nghệ mới, hạ tầng Internet Việt Nam cần thay đổi, cải tiến, tương thích với sự phát triển của các công nghệ mới nhưng đảm bảo sự an toàn và bền vững.
Bên cạnh đề xuất 5 nội dung trao đổi, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng tin tưởng rằng qua thảo luận, kết nối và hợp tác, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp cùng chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự VNNIC Internet Conference 2024 sẽ xác định được các giải pháp hướng tới phát triển hạ tầng Internet Việt Nam hiện đại, thông minh và an toàn; là nền tảng cốt lõi cho Internet Việt Nam phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Đồng thời, bảo vệ, đem lại các giá trị cho người sử dụng, cho toàn thể xã hội, hướng tới một môi trường Internet Việt Nam an toàn, nhân văn và rộng khắp.
Ở góc độ của cơ quan được Bộ TT&TT giao trực tiếp triển khai các hoạt động nhằm hiện thực hóa những định hướng phát triển Internet Việt Nam, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh: Sự phát triển an toàn, bền vững của hạ tầng Internet cần có sự chung tay, hợp tác của cả cộng đồng kỹ thuật và các bên trong hệ sinh thái Internet.
Việt Nam đang giải quyết tốt các thách thức trong phát triển hạ tầng Internet
Trao đổi tại hội nghị, Giám đốc Trung tâm thông tin mạng khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) Paul Wilson cho biết, qua quá trình công tác, ông đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet Việt Nam trong hành trình 30 năm. “Những năm qua, VNNIC đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển Internet Việt Nam”, ông Paul Wilson nhận xét.
Đề cập đến những thách thức trong việc đảm bảo sự an toàn, bền vững của hạ tầng Internet, đáp ứng sự phát triển của các công nghệ mới, ông Paul Wilson phân tích: Trong mô hình phân lớp của Internet, mỗi lớp có cách quản lý khác nhau nên cũng có những khó khăn, thách thức khác nhau.
Đơn cử như, với lớp vật lý, thách thức đặt ra là giải quyết vấn đề phân mảnh của hạ tầng vật lý cũng như độ ổn định của các kết nối vật lý nhằm đảm bảo sự chống chịu trước những điều kiện tự nhiên không mong muốn như bão tố, thảm họa tự nhiên. Với các lớp Internet, ứng dụng hay nội dung, sự phân mảnh với nhiều thành phần cũng ảnh hưởng đến việc liên thông hoạt động, từ đó ảnh hướng tới tất cả người dùng dịch vụ trên Internet.
Ngoài ra, còn là thách thức từ sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây; hay thách thức từ tình trạng lạm dụng tài nguyên Internet để thực hiện các hành vi, hoạt động lừa đảo, có hại hoặc bất hợp pháp cho người dùng.
“Để giải quyết các vấn đề phân mảnh của mạng Internet làm sao mang lại lợi ích cao nhất cho các bên tham gia môi trường này, cần thiết áp dụng một cách hiệu quả các cơ quan quản lý, quản trị phù hợp và đảm bảo rằng không gây ra những hậu quả, rủi ro không mong muốn trên mạng”, ông Paul Wilson khuyến nghị.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet bên lề sự kiện, Giám đốc VNNIC Nguyễn Hồng Thắng cho biết, thách thức đầu tiên và lớn nhất với sự an toàn, bền vững của Internet là vấn đề nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng. Hạ tầng rất quan trọng cho sự phát triển, và hạ tầng Internet là hạ tầng cốt lõi cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
“Trên hạ tầng Internet, chúng ta phát triển các ứng dụng, dịch vụ và chuyển hoạt động của cuộc sống đời thực lên không gian mạng. Do đó, chúng ta phải quan tâm đến việc hạ tầng đó cần an toàn, bền vững. Chúng ta cần có nhận thức về nó, làm nền móng cho sự phát triển lâu dài”, ông Nguyễn Hồng Thắng phân tích.
Đại diện VNNIC cũng chia sẻ thêm, Việt Nam được đánh giá đang giải quyết tốt các thách thức để đảm bảo an toàn, bền vững của Internet Việt Nam, bao gồm cả vấn đề nâng cao nhận thức về sự cần thiết đảm bảo an toàn ở lớp hạ tầng Internet.
Link bài viết gốc: https://vietnamnet.vn/internet-la-ha-tang-quan-trong-bac-nhat-thuc-day-chuyen-doi-so-2289181.html
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc